Ngân hàng Nhà nước: Tăng kết nối doanh nghiệp cho gói hỗ trợ 2%
Đến hết tháng 8, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất 2% đạt 10.700 tỷ đồng với gần 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất 9.820 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)
Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Ngân hàng Nhà nước các tỉnh phải rà soát số dư nợ tín dụng, nếu đúng doanh nghiệp trong nhóm được hỗ trợ lãi suất 2% mà không nhận hay vì lý do gì đều phải báo cáo cụ thể.
Ngoài ra, Thống đốc yêu cầu toàn ngành ngân hàng tiếp đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời các nguyên nhân từ thực tiễn khách quan.
Bên cạnh đó, Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh rà soát, tiếp cận, nắm bắt thông tin, tiếp nhận nhu cầu của khách hàng để triển khai hỗ trợ lãi suất. Thiết lập đường dây nóng và tổ chức kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan để thống nhất cách hiểu và nắm bắt những khó khăn trong triển khai thực hiện chính sách này. Ngân hàng Nhà nước cũng đang tiếp tục tổng hợp ý kiến của các đơn vị và lấy ý kiến đầy đủ của các bộ, ngành liên quan.
Về triển khai gói hỗ trợ lãi suất tại các tỉnh, thành phố, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hiện có 59/63 tỉnh, thành phát sinh các khoản vay có hỗ trợ lãi suất; 63/63 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; 15/63 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội, địa phương tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp về hỗ trợ lãi suất.
Tại các ngân hàng thương mại, 16/44 ngân hàng phát sinh dư nợ có hỗ trợ lãi suất, chủ yếu ở các nhóm ngành có thỏa thuận cho vay từ 1.1.2022 và có trả lãi trong tháng 5.2022 khoảng 800.000 tỷ đồng.
Đến hết tháng 8.2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất 2% đạt 10.700 tỷ đồng với gần 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất 9.820 tỷ đồng.
Hiện các ngân hàng vẫn đang tiếp tục rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất để đẩy mạnh hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất.
Về tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, định hướng của Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm nay là tín dụng tăng 14%, có điều chỉnh theo diễn biến thực tế. Đến ngày 28.9, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,96%, nhu cầu tín dụng sẽ còn tăng cao những tháng cuối năm.
"Việc kiên định mục tiêu tín dụng, kiểm soát tác động của lạm phát, vừa kiểm soát kỳ vọng vừa thực hiện nhiệm vụ ổn định tỷ giá nên tất cả công cụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo sự nhất quán. Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tăng lãi suất, trước đó bị áp lực điều chỉnh tín dụng 15%-16% nhưng thực tế cho thấy, việc Ngân hàng Nhà nước kiên định điều hành chính sách là đúng và trúng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Cũng theo Thống đốc, bất kể trong hoàn cảnh nào, Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống lên hàng đầu vì nếu nhý lạm phát không ðýợc kiểm soát sẽ ảnh hýởng ðến toàn bộ ngýời dân nhất là những ngýời dân còn khó khăn nên phải kiên định mục tiêu.
Quan trọng nhất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tăng cường kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị để giải thích rơ với doanh nghiệp, nếu không ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, doanh nghiệp sẽ là những người gặp khó khăn khi thị trường biến động. Giải thích rõ với doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn hoặc có trường hợp cho vay sẽ khiến ngân hàng chạm ngưỡng tỷ lệ an toàn, không nên “đổ" hết cho room tín dụng.
Theo Thúy Hà (Vietnam+)