Công bố quyết định hương án chùa Keo là bảo vật quốc gia
Hương án chùa Keo có chiều dài 227 cm, rộng 156 cm, cao 153 cm, được chạm khắc công phu, tinh xảo; được giữ gìn cơ bản nguyên vẹn và bảo quản tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chùa Keo.
Hương án chùa Keo được giữ gìn cơ bản nguyên vẹn và bảo quản tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chùa Keo (Thái Bình). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN.
Ngày 5.10 (tức ngày 10.9 Âm lịch), Lễ khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2022 và công bố quyết định hương án chùa Keo là bảo vật Quốc gia được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).
Hương án (hay còn gọi là nhang án, bàn thờ) là đồ dùng thờ cúng, dùng để bát hương và bày đồ thờ nhằm chuyển tải thông điệp, ước vọng của con người tới thần linh. Tại Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo, hương án được đặt trang trọng tại tòa ống muống (phụ quốc) tiếp giáp với tòa Hậu cung của khu thờ đức Thánh Dương Không Lộ.
Đây là sản phẩm thủ công, độc bản với trên 1.000 họa tiết được chạm khắc điêu luyện, bố cục chặt chẽ. Trong đó, hình tượng rồng có 68 đồ án được bố cục theo những đề tài “long ẩn vân", “lưỡng long chầu nhật”, “long giáng”…; khoảng 550 hoa sen, 435 hoa cúc, 24 hoa dây, lá, trúc, linh thú, mây lửa, ngọc báu…
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, hương án là tác phẩm nghệ thuật độc đáo có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kỹ thuật chạm khắc trên loại hình đồ thờ làm bằng gỗ thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17. Đến nay, hương án chùa Keo được xem là lớn nhất trong các hương án sơn son thếp vàng tại các di tích thờ tự và tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam.
Với những giá trị to lớn đó, ngày 25.12.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận hương án chùa Keo là bảo vật Quốc gia.
Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang Tự) gồm 2 cụm kiến trúc: chùa, nơi thờ Phật và Đền thánh, thờ thánh Dương Không Lộ (1016-1094) - vị đại sư thời nhà Lý đã có công dựng chùa. Năm 2012, chùa Keo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2017, lễ hội chùa Keo được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ khai chỉ tại Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2022. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN.
Hàng năm, chùa Keo có hai mùa lễ hội là lễ hội mùa Xuân (vào ngày 4 Tết Nguyên đán) và lễ hội mùa thu (tháng 9 Âm lịch). Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, năm nay, lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động, nghi lễ trang nghiêm như lễ khai chỉ, tế lễ Phật, lễ Thánh, lễ rước kiệu và nhiều hoạt động văn hóa dân gian khác; dự kiến thu hút đông đảo du khách tới tham quan, chiêm bái.
Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2022 sẽ diễn ra đến hết ngày 10.10 (tức ngày 15.9 âm lịch).
Theo Thu Hoài (TTXVN/Vietnam+)