Chuyển đổi số ngành xuất bản: Để bạn đọc tiếp cận sách dễ dàng hơn
Trong giai đoạn các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh thu của ngành xuất bản vẫn tăng. Nguyên nhân một phần là nhờ tích cực chuyển đổi số nên ngành vẫn có thể phục vụ nhu cầu của bạn đọc.
Chuyển đổi số ngành xuất bản góp phần lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp bởi sách có thể đến gần hơn với bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa. Đó là hiệu quả dễ nhận thấy sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã khẳng định như vậy trong tọa đàm “Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành” diễn ra ngày 5.10 tại Hà Nội.
Chương trình do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Cục Xuất bản, In và Phát hành và Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ thông tin và Truyền thông) tổ chức.
Theo Cục trưởng Nguyễn Nguyên, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là xu thế chung của thế giới. Sau đại dịch, xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam cũng đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng đầu sách cũng như doanh thu bán sách.
“Đặc biệt, Hội sách trực tuyến quốc gia và sàn giao dịch sách trực tuyến Book365.vn cũng như các trang thương mại điện tử đã đáp ứng nhu cầu của bạn đọc ở những nơi xa trung tâm, giúp họ tiếp cận nhiều đầu sách mới và tiết kiệm chi phí vận chuyển,” Cục trưởng cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu khả quan, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản cũng còn nhiều điểm hạn chế như: Việc thay đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử của các đơn vị còn chậm; hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản; chưa có nhiều những hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và nhà xuất bản…
Tại tọa đàm, các diễn giả đã cùng chia sẻ, trao đổi nhiều nội dung sâu sắc về xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy chuyển đổi số; trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện xuất bản và phát hành sách điện tử; giới thiệu những thành quả bước đầu của quá trình thực hiện chuyển đổi số ở một đơn vị xuất bản, phát hành sách điện tử…
Các diễn giả tham gia tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Khắc Lịch cho rằng cần có hành lang pháp lý đồng bộ để có thể chuyển đổi số toàn diện.
“Chúng ta cần xây dựng hành lang pháp lý chung, sau đó có văn bản hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn chuyển đổi số trong nội bộ đơn vị xuất bản, chuyển đổi số trong kinh doanh xuất bản phẩm để phát triển kinh tế số…,” ông Nguyễn Khắc Lịch nói.
Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử Waka cho rằng thách thức lớn đối với những người làm xuất bản điện tử hiện nay là vấn đề vi phạm bản quyền và chi phí đầu tư cho công nghệ để thực hiện chuyển đổi số. Hai thách thức này có liên quan mật thiết với nhau.
Cụ thể, ông Đinh Quang Hoàng phân tích: “Các đơn vị xuất bản cần đầu tư vào công nghệ để có những sản phẩm chất lượng vượt trội hơn so với những sản phẩm sao chép trên các trang web ‘lậu’. Tôi lấy ví dụ sách điện tử có thể kèm theo hình ảnh, âm thanh. Các trang ‘lậu’ chỉ có thể quét được nội dung (chữ) chứ không thể sao chép được các hiệu ứng như vậy.”
Về khó khăn trong đầu tư, ông Đinh Quang Hoàng đề xuất giải pháp rằng các đơn vị cần có sự phối hợp chia sẻ dữ liệu, dùng chung nền tảng để tiết kiệm chi phí.
Kết luận tọa đàm, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho rằng việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và khai thác hiệu quả thị trường này là vấn đề đặt ra với không riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số./.
(Theo MINH THU/Vietnam+)