TỔ CHỨC PHIÊN TÒA XÉT XỬ TRỰC TUYẾN:
Nâng cao chất lượng xét xử, thúc đẩy cải cách tư pháp
Thực hiện chủ trương của Trung ương, tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh đã và đang chú trọng triển khai các phiên tòa xét xử trực tuyến, góp phần đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Dần nhân rộng
Mới đây, TAND huyện Tây Sơn phối hợp cùng Viện KSND huyện và Nhà tạm giữ CA huyện tổ chức xét xử liên tiếp 6 vụ án hình sự qua hình thức trực tuyến. Cả 6 phiên tòa xét xử trực tuyến diễn ra thuận lợi, không phải dẫn giải bị cáo đến tòa án; tất cả tình tiết nội dung của vụ án đều được người tiến hành tố tụng làm rõ. Bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác được trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng công khai.
Đơn cử, ở vụ án xét xử bị cáo Tạ Đoàn Minh Hiếu (SN 2002, ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) phạm tội cố ý gây thương tích, tại điểm cầu trung tâm là TAND huyện, Hội đồng xét xử đã thực hiện trình tự xét hỏi để làm rõ hơn các tình tiết của vụ án, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi bị cáo gây ra. Tiếp đó, luật sư của bị cáo cũng đưa ra các lập luận bào chữa. Tại điểm cầu thành phần, bị cáo cũng được trình bày lại sự việc và trả lời những câu hỏi của Hội đồng xét xử.
Bà Phạm Thị Phương Thảo, Chánh án TAND huyện Tây Sơn, cho biết: “Dù vẫn còn khó khăn về trang thiết bị, điều kiện để tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, nhưng có thể nói, đây là bước tiến mới góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả xét xử; đảm bảo phù hợp với xu thế hiện nay. Do đó, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, lựa chọn các vụ án đủ điều kiện để tổ chức xét xử theo hình thức trực tuyến; hướng đến chất lượng và hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu trị an tại địa phương cũng như cải cách tư pháp”.
Cách thức chung của các phiên tòa xét xử trực tuyến là tổ chức tại nhiều điểm cầu. Trong đó, với các vụ án hình sự, bị cáo được bố trí ngồi tại điểm cầu trại tạm giam thay vì phải dẫn giải trực tiếp đến tòa án. Đối với các vụ án hành chính, chỉ cần bố trí một điểm cầu ở tòa án, một điểm cầu ở UBND huyện, thị xã, thành phố...
Quang cảnh phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến cấp huyện đầu tiên của tỉnh được tổ chức tại TAND TX Hoài Nhơn vào ngày 1.8 vừa qua. Ảnh: Viện KSND tỉnh
Theo đánh giá của TAND tỉnh, qua 2 tháng với gần 30 phiên tòa xét xử trực tuyến được tổ chức tại 8 đơn vị TAND cấp cơ sở, bước đầu cho thấy các phiên toà đều diễn ra suôn sẻ, bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng tại các phiên tòa.
“Tiếp nối những thuận lợi từ phiên tòa xét xử trực tuyến, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình xét xử trực tuyến ở các phiên tòa hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại và triển khai ở tòa án các huyện, thị xã và thành phố”, Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường cho biết.
Hướng đến tòa án điện tử
Trung bình mỗi năm, TAND 2 cấp của tỉnh phải thụ lý, giải quyết khoảng 7.000 vụ án các loại. Với số lượng án nhiều như vậy, đội ngũ cán bộ, thẩm phán gặp không ít khó khăn, áp lực về công việc. Đơn cử như TAND huyện Tây Sơn, có 5 thẩm phán nhưng mỗi năm phải giải quyết hàng trăm vụ án; tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, bình quân mỗi thẩm phán phải thụ lý giải quyết 97 vụ án các loại.
Trước thách thức này, sự ra đời của Nghị quyết 33/2021/ QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã tạo cơ sở pháp lý để tòa án các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xét xử. Theo đó, được lựa chọn xét xử trực tuyến là các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.
“Việc triển khai thực hiện công tác xét xử trực tuyến hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay, góp phần đẩy nhanh tiến độ xét xử các loại án. Bên cạnh đó, việc xét xử trực tuyến còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử của hệ thống TAND trong thời gian đến. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức song chúng tôi sẽ tiếp tục khắc phục để chất lượng công tác xét xử ngày càng được nâng cao và hiện đại”, ông Lê Văn Thường nói.
Bên cạnh đó, hình thức trực tuyến không chỉ giúp ngành Tòa án hướng tới việc xét xử mọi lúc, mọi nơi nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án mà còn đảm bảo ANTT, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Đồng thời, đảm bảo việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ án tốt hơn, giảm thiểu chi phí, thời gian giải quyết các loại án.
KIỀU ANH