“Cơn sốt đất cục bộ tại các địa phương đã được kiểm soát”
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định điều này khi trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Giá đất tại các địa phương cơ bản bình ổn
Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị tăng cường công tác chỉ đạo, có giải pháp hữu hiệu hơn nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tự phát, không theo quy hoạch tại một số địa phương, gây khó khăn trong hoạt động quản lý đất đai, nhất là quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi “thổi giá” đất của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến quỹ đất phát triển sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian qua tại nhiều địa phương có tình trạng mua gom đất nông nghiệp hoặc người sử dụng đất có diện tích lớn thực hiện chia tách, chuyển mục đích sử dụng đất để bán (phân lô, bán nền) trái phép; lấn chiếm, chuyển đổi đất rừng trái phép, nhất là đối với các địa bàn gần các thành phố lớn và các khu du lịch, đô thị… gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an ninh, xã hội.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà
Bộ nhận định tình trạng này có nguyên nhân do các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương buông lỏng quản lý, không thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về đất đai, xây dựng dẫn đến các hành vi này hiện nay còn phổ biến.
Ngoài ra, lợi nhuận quá lớn từ việc chiếm dụng đất đai, tăng giá trị quyền sử dụng đất do việc thay đổi mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp sang đất ở) của nhà đầu tư và người sử dụng đất cũng gây nên tình trạng trên.
Để tăng cường chế tài và các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm nêu trên, vừa qua Bộ TN-MT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3.1.2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
Trong đó giao Chủ tịch UBND các tỉnh phải xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra lấn, chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
Bộ đã ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát, xác định vi phạm pháp luật đất đai, tránh tình trạng lấn, chiếm; chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp.
Năm 2021, bộ này cũng thành lập Đoàn kiểm tra việc phân lô, bán nền tại 3 tỉnh: Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận. Trong thời gian tới, bộ tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật; tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các địa phương để xử lý nghiêm.
Trong khi đó, cử tri tỉnh Thái Bình phản ảnh tình trạng sốt đất ảo, có hiện tượng không lành mạnh trong các cuộc đấu giá đất, gây nhiễu loạn thị trường, đặc biệt có nhiều dấu hiệu lừa đảo trong giao dịch bất động sản trên cả nước. Bên cạnh đó các dự án treo, quy hoạch treo, việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án gây lãng phí rất lớn nguồn lực, tác động tiêu cực đến đời sống Nhân dân. Cử tri kiến nghị sớm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng này.
Về vấn đề này, ông Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN-MT có công văn và văn bản gửi các địa phương thực hiện các giải pháp ổn định giá đất, tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất; triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23.4.2019.
“Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có các biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý giá đất nói riêng và thị trường bất động sản nói chung. Đến nay, giá đất tại các địa phương đã cơ bản bình ổn, cơn sốt đất cục bộ tại các địa phương đã được kiểm soát” - Bộ TN-MT cho biết.
Lãng phí đất công gây bức xúc
Thời gian qua, vấn đề sử dụng đất công một cách lãng phí ở nhiều địa phương trên cả nước đã gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử như qua nhiều kỳ họp, các đại biểu của TP Hồ Chí Minh tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng lãng phí, nhiều kho bãi, đất công để trống, bỏ hoang nhiều năm, trong khi quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình công cộng, công trình phúc lợi còn rất thiếu.
Bên cạnh đó nhiều đất nông nghiệp nằm trong xen kẽ với khu dân cư bị vướng quy hoạch, nhiều dự án treo nhiều năm có nơi 20 năm gây khó khăn cho người dân khi có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng nhà ở… Do đó, cần sớm có chủ trương giải quyết các vấn đề bức xúc trên.
Bộ TN-MT cho biết Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3.1.2018, yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo xử lý các dự án đã được giao đất, cho thuê đất không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; các dự án chậm giải phóng mặt bằng.
Riêng Bộ TN-MT cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát, xử lý, công khai vi phạm; chủ động tổ chức các đoàn công tác tại các tỉnh, thành phố để kiểm tra, rà soát việc xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất.
Trong năm 2022, Bộ TN-MT xây dựng Đề án “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, xã hội phục hồi sau đại dịch Covid-19” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung Đề án đã tập trung đề xuất các giải pháp và cơ chế chính sách để giải quyết, đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, nhanh chóng giải phóng nguồn lực, tránh lãng phí, phòng chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai.
Trong thời gian qua, bộ này cũng tích cực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xử lý tình trạng dự án treo, trong đó chủ động đề xuất xây dựng những quy định pháp luật để trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm xử lý triệt để vấn đề quy hoạch treo, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quyền lợi của người sử dụng đất có đất thu hồi đã được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai 2013 liên quan đến việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)