Bộ Tài chính “nói không” với miễn toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Bộ Tài chính cho biết, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các nước, thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Lào, Trung Quốc.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế TTĐB đối với xăng và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu để đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ trình Quốc hội.
Theo đó, Bộ Tài chính nhận được ý kiến tham gia của một số Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp, cá nhân (10 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 18 địa phương; 4 hiệp hội, cá nhân).
Phản hồi đề nghị xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng trong trường hợp giá xăng trên thế giới tăng cao bất thường, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế TTĐB, chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại.
Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bộ Tài chính không đồng ý miễn toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Ảnh minh họa.
Theo Bộ Tài chính, thuế TTĐB là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia,...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch) hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,...).
Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng. Bộ Tài chính lấy ví dụ: Pháp thu thuế TTĐB ở mức 0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng; Đức thu thuế ở mức 0,3545 EUR/lít.
Theo Quỳnh Nga (TPO)