Tăng cường giám sát chất lượng chuỗi cung ứng nông sản
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) tăng cường công tác giám sát định kỳ, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng giám sát và hậu kiểm với các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn đã được chứng nhận.
Theo quy định, chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm (ATTP) được xác nhận dựa trên quy trình kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất tới khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Trong tất cả các công đoạn đều phải áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo hướng kiểm soát mối nguy ATTP toàn bộ chuỗi, bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc, có cam kết về đảm bảo ATTP. Sau khi cấp chứng nhận, định kỳ hằng năm, cơ quan chuyên môn sẽ lấy mẫu giám sát để đánh giá chất lượng sản phẩm, nhằm duy trì được tính minh bạch của chuỗi cung ứng này.
Tại Bình Định, đến nay đã có 50 sản phẩm của 29 cơ sở được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản xác nhận chuỗi cung ứng nông sản ATTP, chủ yếu ở các ngành hàng: Nước mắm, hải sản, chả ram tôm đất, nem chua, chả lụa; trà các loại… Theo đánh giá của Chi cục, Bình Định có nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề tiêu biểu, OCOP…, tuy nhiên đến nay số lượng sản phẩm được chứng nhận theo chuỗi cung ứng ATTP còn ít. Nguyên nhân là do sản xuất ở quy mô nhỏ, nhiều cơ sở chỉ sản xuất theo mùa vụ, không chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất.
Sản phẩm trà dung cazin của cơ sở sản xuất Nguyễn Cảnh Duy (Canh Vinh, Vân Canh) được xác nhận chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm. Ảnh: THU DỊU
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định, xu hướng tiêu dùng mới khiến việc đáp ứng các điều kiện ATTP theo chuỗi ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Để bảo vệ sức khỏe, đòi hỏi của người tiêu dùng về chất lượng, mức độ an toàn, hợp vệ sinh ngày càng cao. Từ xu hướng này, Chi cục xây dựng kế hoạch, thực hiện xác nhận và giám sát sản phẩm chuỗi cung ứng ATTP trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, những cơ sở có xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn được người tiêu dùng tín nhiệm, được thị trường chấp nhận và có cơ hội mở rộng kênh phân phối cao hơn rất nhiều so với nhóm đối chứng.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thực hiện giám sát định kỳ với 50 sản phẩm của 29 cơ sở thuộc chuỗi cung ứng, các mẫu giám sát đạt yêu cầu về ATTP. Thực hiện giám sát dư lượng kháng sinh cấm, các chất độc hại trong sản phẩm nông sản với 433 mẫu, trong đó có 36 mẫu không đáp ứng được các quy định về ATTP, chiếm tỷ lệ 8,3%.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định đặt mục tiêu mỗi năm một xã sẽ có 3 sản phẩm đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng nhóm sản phẩm đặc trưng, OCOP. Dựa trên mục tiêu này, Chi cục chủ động phối hợp với các địa phương, các đơn vị đủ điều kiện xây dựng quy trình xác nhận chuỗi cung ứng ATTP.
Chuỗi cung ứng nông sản ATTP là một trong những khâu để tiếp sức cho nông sản Bình Định ngày càng vươn xa. Trong những năm qua, Bình Định ban hành nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản, từng bước xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Hỗ trợ tập huấn nâng cao chất lượng cho từng sản phẩm… Cùng với đó, việc tiến thêm một bước xác nhận chuỗi cung ứng đủ điều kiện ATTP giúp minh bạch thông tin từ sản xuất đến tiêu thụ.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc giám sát ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng hiệu quả. Nhờ khâu giám sát chặt chẽ và hậu kiểm nghiêm túc, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tích cực thay đổi tư duy, chuyển đổi sang sản xuất an toàn theo đúng quy trình. Điều này thể hiện ở việc tỷ lệ vi phạm trong lĩnh vực ATTP trong nông nghiệp giảm, tỷ lệ cơ sở đăng ký xác nhận chuỗi cung ứng an toàn tăng lên.
Theo đó, để nâng cao chất lượng và đảm bảo cho các chuỗi cung ứng duy trì bền vững, ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch, trong quý III/2022 trình UBND tỉnh xem xét và ban hành Đề án Đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm sản và thủy sản giai đoạn 2020 - 2030. Đây là cơ sở để Chi cục quản lý chất lượng, các địa phương và các cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chuỗi cung ứng trong lĩnh vực nông nghiệp. “Khi người tiêu dùng không còn mù mờ về thông tin nguồn gốc của nông sản, thì người sản xuất không còn lo lắng về đầu ra cho sản phẩm”, ông Nguyễn Thanh Hưng khẳng định.
THU DỊU