Thận trọng khi vay tiền qua mạng
Không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay… là những lời quảng cáo hấp dẫn của nhiều ứng dụng vay tiền. Tuy nhiên, chính sự dễ dãi này đã khiến nhiều người phải trả giá đắt vì lãi suất cao, thậm chí bị lừa.
Người vay gửi ảnh chụp CMND hoặc CCCD cho địa chỉ muốn vay qua app; chỉ với thủ tục như vậy khách hàng có thể vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, không cần gặp mặt hay ký kết giấy tờ vay nợ. Tuy nhiên, khi người vay hoàn thành thủ tục vay, phải trả phí và số tiền thực nhận không đúng như người vay mong muốn.
Chị T.T.N.D. (ở TP Quy Nhơn, một nạn nhân của vay tiền qua app), kể lại: Cuối tháng 8.2022, tình cờ lướt Facebook, thấy quảng cáo cho vay lãi suất thấp, không cần thế chấp, nên chị đăng ký. Để làm thủ tục vay, chị D. chụp CCCD và cung cấp số tài khoản ngân hàng gửi lên app vay. Sau đó, tài khoản ngân hàng của chị tự động nhận được tiền giải ngân.
“Tôi vay 5 triệu đồng, nhưng họ chuyển 3,8 triệu đồng. Tôi gọi điện hỏi thì họ nói phải trừ các khoản phí và buộc sau 1 tuần tôi phải trả đủ 7,5 triệu đồng. Đến hẹn, tôi chưa đủ tiền trả nên họ liên tục gọi điện rồi mời chào vay tiếp, cũng may người thân biết, can ngăn; tôi phải trả gần 20 triệu đồng để chấm dứt việc bị gọi điện thoại khủng bố”, chị D. nói.
Chỉ cần gõ chữ “vay tiền online” trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, sẽ có rất nhiều trang web mời chào vay tiền hấp dẫn (ảnh minh họa). Ảnh: K.A
Thực chất, các app vay tiền trực tuyến là một ứng dụng cho vay tín chấp. Người vay không cần tài sản đảm bảo; người cho vay dựa vào uy tín của người vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Về cơ bản, vay tiền qua app rất thuận lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hiện nay xuất hiện nhiều đối tượng hoạt động tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản núp dưới hình thức app cho vay, khiến không ít người phải “ngậm quả đắng”.
Hiện nay, nắm bắt được nhu cầu muốn vay tiền nhanh của nhiều người, các đối tượng cho vay tiền đã tạo ra nhiều app và quảng cáo trên internet với những lời mời chào “có cánh” để dễ thu hút người vay. Một khi người vay tải ứng dụng, chấp nhận mọi điều khoản thì ứng dụng tự báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiền tiếp nhận, liên lạc qua điện thoại với người vay tiền để thu thập, kiểm tra thông tin đăng ký trên app. Đặc biệt, để vay được tiền, người vay buộc phải chấp nhận điều khoản đồng ý cho ứng dụng truy cập vào danh bạ điện thoại.
Theo thượng tá Trương Văn Phụng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CA tỉnh), quá trình xác minh cho thấy, trước khi chuyển tiền vào tài khoản của người vay, các đối tượng sử dụng app đã thu thập thông tin về người vay lẫn người thân, bạn bè của người vay để sẵn sàng việc đòi nợ. Trong trường hợp lừa đảo thì các đối tượng đều sử dụng sim rác, sử dụng tên và địa chỉ “ma”. Vì thế, nếu người vay không trả thì các đối tượng sẽ gọi điện “khủng bố” để ép người vay trả tiền. Hoặc, chúng bêu rếu, bôi xấu hình ảnh người vay tiền lên mạng xã hội Facebook, Zalo… Đối tượng lừa đảo bỏ sim điện thoại, việc xác minh cũng rất khó vì người vay hoàn toàn không biết người cho vay là ai, công ty đó ở đâu.
Vì vậy, trong trường hợp muốn sử dụng loại hình vay tiền trực tuyến, người dân cần tìm hiểu kỹ, nhận diện được ứng dụng vay vốn chính thống do các ngân hàng được nhà nước công nhận cho vay. Trước khi tiến hành nhập thông tin và đăng ký vay, cần thận trọng tìm hiểu thông tin qua các kênh khác nhau, xác thực lại bằng cách gọi số điện thoại đường dây nóng (hotline) trên ứng dụng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho vay uy tín sẽ thể hiện đầy đủ các thông tin như: Tên công ty, mã số DN, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả...), mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch...
“Đặc biệt, khi thực hiện giao dịch, người vay không được để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân của mình. Đối với các tổ chức, cá nhân yêu cầu người vay chuyển tiền ngược lại với nhiều lý do, người vay cần tỉnh táo và trình báo cơ quan chức năng, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra”, thượng tá Phụng khuyến cáo.
KIỀU ANH