PGS.TS LÊ VĂN TOÀN, ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG DI SẢN VĂN HÓA QUỐC GIA:
Bình Định bảo tồn, phát huy tốt giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian
Trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể, PGS.TS Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhiều lần đến Bình Định. Theo ông, Bình Định đã làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian trong cuộc sống đương đại - đây cũng là mục tiêu hành động quốc gia dành cho di sản này.
Trò chuyện với tôi trong chuyến về tỉnh công tác gần đây, PGS.TS Lê Văn Toàn chia sẻ, ông rất vui khi thấy ở Bình Định, bài chòi dân gian tiếp tục lan tỏa, có sức sống đặc biệt.
Bình Định là cái nôi của nghệ thuật bài chòi
* Qua các nghiên cứu về bài chòi, hầu hết nhà nghiên cứu đều khẳng định, Bình Định là cái nôi của bài chòi và đang lưu giữ được nét độc đáo trong biểu diễn bài chòi dân gian…
- Trò chơi đánh bài chòi có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm ở các tỉnh Nam Trung bộ bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất, giao thoa văn hóa và sáng tạo nghệ thuật của người dân bản địa. Nói Bình Định là cái nôi bài chòi bởi đây là nơi khởi phát lịch trình văn hóa của bài chòi, dấu ấn văn hóa rõ nhất nằm trong những con bài được người xưa sáng tạo từ cách chơi bài đến hình thức mới là hội đánh bài chòi.
Trong quá trình nghiên cứu để làm hồ sơ di sản bài chòi, chúng tôi nhận thấy nghệ thuật bài chòi dân gian ở mỗi tiểu vùng mang những nét đặc trưng riêng; đặc biệt ở Bình Định, khi bài chòi dân gian được nâng tầm thành loại hình nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp sân khấu, nó vẫn giữ được nét độc đáo riêng là vừa hô, vừa diễn tả như bài chòi chiếu ở Bình Định xưa kia. Trong khi đó, ở vùng phía Bắc Trung bộ gần như hội đánh bài chòi chỉ là hình thức chơi bài với những lời hò, tiếng hô hát chứ không có diễn xuất như vậy.
PGS.TS Lê Văn Toàn (bìa phải) trao đổi cùng nhà nghiên cứu văn dân gian Nguyễn An Pha, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản bài chòi ở Bình Định. Ảnh: NGỌC NHUẬN
* Ông đánh giá như thế nào với những giải pháp mà tỉnh Bình Định thực hiện trong công tác bảo tồn và phát huy di sản bài chòi dân gian?
- Muốn bảo tồn di sản bài chòi, trước hết phải quan tâm đến lực lượng nghệ nhân - những người vừa tham gia thực hành, vừa truyền dạy cho lớp trẻ kế cận, rồi phải tạo được không gian sống cho bài chòi để công chúng biết đến loại hình nghệ thuật này… Bình Định đã và đang làm rất tốt khi đưa bài chòi dân gian vào trường học để học sinh tiếp cận, thực hành diễn xướng; các nghệ nhân cũng nỗ lực truyền dạy, sưu tầm, bổ sung thêm nhiều câu thai mới; người dân rất mộ điệu, xem hội bài chòi dân gian là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, tết, đó là thành công của quá trình bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi dân gian.
* Thưa ông, chúng ta đã làm tốt rồi thì phải cần làm gì để tốt hơn nữa…
- Tôi thấy một trong những cái rất hay của đợt tổ chức Liên hoan CLB Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định mở rộng năm 2022 là có buổi Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian” do UBND tỉnh tổ chức. Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân trong và ngoài tỉnh cũng đã gợi mở nhiều ý tưởng hay để lãnh đạo tỉnh Bình Định quan tâm hơn nữa trong việc tạo không gian sống cho bài chòi, như thường xuyên tổ chức Liên hoan, hội diễn bài chòi quy mô mở rộng… phải xem đây cũng là một nhu cầu thực sự tạo sức mạnh quảng bá cho bài chòi tồn tại, phát triển trong xã hội đương đại.
Nghệ thuật bài chòi dân gian ở Bình Định lan tỏa, thêm sức sống mới trong cuộc sống đương đại. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tư liệu hóa di sản bài chòi là việc nên làm
* Giải pháp mà các nhà nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng nên làm, đó là tư liệu hóa di sản bài chòi. Ông nhận định như thế nào?
- Đây là việc làm cần thiết, nhưng theo tôi phải xác định, nhận diện rõ trong quá trình hình thành và phát triển của bài chòi luôn có sự tiếp biến, nó giữ những cái cũ và tạo ra cái mới. Mỗi địa phương có những nét đặc trưng riêng trong lối trình diễn bài chòi dân gian, muốn giữ những bản sắc ấy thì phải ngấm được hai yếu tố là hô hát và diễn xướng.
Bên cạnh đó, còn có những cái gọi là ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ trình diễn và diễn xướng dân gian, tất cả phải hòa quyện vào nhau. Muốn tư liệu hóa di sản bài chòi, chúng ta phải nghiên cứu một cách hệ thống, khoa học về bản sắc bài chòi, cũng chính là cái ngôn ngữ riêng đối với bài chòi là hô hát và diễn xướng.
Nhiều nghệ nhân ở Bình Định còn gìn giữ, biểu diễn được bài chòi lớp (bài chòi kể chuyện) mang nét độc đáo riêng của Bình Định. Ảnh: NGỌC NHUẬN
* Như vậy, các nhà quản lý phải có những giải pháp hữu hiệu?
- Trong quá trình làm hồ sơ di sản bài chòi, chúng ta đã có nhiều tư liệu tích hợp lại với rất nhiều thông tin quý. Trong một số tài liệu chúng tôi có được, đó là trò chơi đánh bài chòi có ghi trong gia phả của một số dòng họ ở nhiều địa phương nói về các vùng chơi bài như thế nào, rồi hô hát bài chòi ra sao… trong quá trình lan tỏa có thể trò chơi bài hay bài chòi của người xưa có sự giao thoa văn hóa rồi hình thành nên theo dòng chảy lịch sử. Tuy nhiên, để làm rõ hơn với yếu tố khoa học, đòi hỏi các nhà quản lý phải thiết kế những giải pháp để cùng với các nhà nghiên cứu, các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về di sản bài chòi. Gắn với dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển thì diện mạo của di sản bài chòi sẽ sáng tỏ và mang tính khoa học hơn, tiến tới tư liệu hóa di sản bài chòi.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
PGS.TS Lê Văn Toàn sinh năm 1955, quê ở Bắc Ninh. Năm 1994, ông du học, bảo vệ luận án Tiến sĩ nghệ thuật học tại Hàn lâm viện Traikovsky - Ukraine. Ông được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư năm 2009. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc dân gian Việt Nam, âm nhạc cách mạng Việt Nam; đặc biệt có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng hồ sơ các di sản âm nhạc Việt Nam đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ông được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, bằng khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine về việc “Tích cực xây dựng phong trào Văn hóa - Văn nghệ”, huy chương “Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật”...
ĐOÀN NGỌC NHUẬN