Hết mình giúp người dù tuổi đã “xế chiều”
Tuổi cao nhưng sức chưa yếu, nhiều người vẫn mải miết góp sức vì cộng đồng. Họ tình nguyện tham gia các hoạt động giúp đỡ người yếu thế vô tư, nhiệt tình. Với họ, tuổi tác chỉ là con số, và chưa bao giờ là trễ để cho đi, lan tỏa yêu thương.
Cầm trên tay những tấm hình kỷ niệm trong những chuyến đi thiện nguyện, bà Nguyễn Thị Kim Chi (64 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) chia sẻ, cách đây hơn 20 năm, bà “bén duyên” với việc giúp người. Ban đầu chỉ từ việc hỏi thăm, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn gần nhà; sau, bà rủ bạn bè đồng hành, cùng chung sức giúp nhiều trường hợp hơn, xa gần đều có. Phụ nữ và trẻ em là 2 đối tượng được bà quan tâm hơn cả.
Bà Chi (phải) cùng bạn bè tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi trước thềm năm học mới. Ảnh: NVCC
Một trong những hoàn cảnh thường xuyên được bà Chi giúp đỡ là chị Nguyễn Thị An (ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn). Chị An là trụ cột gia đình, mọi chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào gánh mắm nhỏ của chị. Thế nhưng, cố mấy thì cũng không đủ bởi phải chạy chữa cho người chồng bị bệnh tim và nuôi 4 người con đang đi học.
Tình cờ, chị An bán hàng cho một người phụ nữ phúc hậu. Bà Chi - “người khách kỳ lạ” đó nhiệt tình hỏi thăm hoàn cảnh, còn dặn chị thường xuyên gánh hàng qua để bán cho bà. Lâu dần, vị khách ấy trở thành người thân thiết, gắn bó với gia đình chị.
“Cô Chi xởi lởi, không chỉ giúp tôi lo phần nào chi tiêu trong gia đình mà còn mua sắm đồng phục, sách vở cho con tôi đi học. Cô còn giúp đỡ chị chồng của tôi khi biết được hoàn cảnh khó khăn của chị. Bởi lẽ đó, chúng tôi xem cô như người thân trong nhà, vừa biết ơn, vừa kính trọng cô”, chị An xúc động nói.
Không chọn cách hỗ trợ chi phí như bà Chi, bà Hồ Thị Hường (62 tuổi, ở phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) lại “cho đi” bằng cách giúp đỡ sâu sát, hết mình.
Ngay khi biết tin em Nguyễn Thị Trâm Anh (SN 2007, ở cùng phường) đã nghỉ học một tuần, bà ghé sang nhà. Gặng hỏi mãi, Trâm Anh mới nói rằng, em muốn nghỉ học để đi làm thêm, bởi nhà em quá khó khăn. Bỏ ngoài tai lời khuyên răn của mẹ và những người thân, em nhất quyết nghỉ học, dù chỉ còn 1 học kỳ nữa là hoàn thành lớp 9.
“Ngày thường, tôi hay cho cháu gói bánh, hộp kẹo rồi cùng trò chuyện nên hai bà cháu khá thân thiết. Biết cháu đang trong độ tuổi dậy thì, rất nhạy cảm trong suy nghĩ và hành động nên tôi chỉ có thể từng chút động viên, chia sẻ kèm lời “dọa”: Nếu cháu không tự giác thì bà sẽ đến tận nhà chở cháu đi học”.
Nói là làm, bà Hường luôn có mặt ở nhà Trâm Anh từ sớm, thúc giục cô bé chuẩn bị sách vở đến trường. Cứ như vậy, suốt gần 3 tháng trời, mỗi ngày 2 lần, bà đều có mặt đúng giờ để đưa đi, đón về một cô bé không phải là cháu ruột. Bà còn giữ liên lạc với giáo viên để nắm bắt tình hình của cô bé ở trường, kịp thời chia sẻ nhiều vấn đề với em. Và Trâm Anh cũng chỉ mở lòng với bà Hường, chịu nghe lời bà mà tiếp tục việc học - điều mà không ai làm được, kể cả người thân của em.
Để những người lớn tuổi có thể thoải mái tham gia các hoạt động thiện nguyện, chỗ dựa gia đình luôn là điều quan trọng nhất. Dù đã có 5 cháu ngoại, thế nhưng, bà Chi vẫn thu xếp thời gian chăm sóc cháu, để dành khoảng trống đi giúp người.
Bà tâm sự: “Thấy tôi tuổi đã cao, lại cứ đi khắp nơi giúp người thay vì ở nhà để con cái báo hiếu, các con tôi “góp sức”, chuẩn bị cho mẹ nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe; sẵn sàng hỗ trợ chi phí khi biết mẹ đang kêu gọi cho các trường hợp khó khăn”.
Còn với bà Hường, dù đã ngoài 60 nhưng hiếm khi bà vắng mặt ở các hoạt động xã hội tại địa phương. “Kỷ niệm tôi nhớ nhất là quãng thời gian đi chợ giúp dân, nấu ăn và hỗ trợ cho các chốt kiểm soát dịch Covid-19. Khi đó, người nhà dù lo lắng nhưng vẫn động viên tôi. Với tôi, còn sức khỏe là còn chia sẻ, lan tỏa yêu thương từ những điều giản dị”, bà Hường nói.
DIỆU NGỌC