Say mê sản phẩm thủ công
Không chỉ là sở thích lúc nhàn rỗi, một số chị em say mê với trang phục, vật dụng thủ công từ truyền thống đến hiện đại, từ dệt thổ cẩm đến đan len… đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo trong từng động tác. Nó còn chứa đựng cả những câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ.
Gắn bó với dệt thổ cẩm từ khi còn bé, chị Đinh Thị Xuân Bông (ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) luôn xem đây là một phần cuộc sống. Từng công đoạn làm ra sản phẩm như kéo sợi, nhuộm màu, dệt… đều được chị ghi nhớ và thuần thục.
Chị kể, phụ nữ ở làng, ai cũng biết dệt thổ cẩm. Người bà, người mẹ trong nhà sẽ hướng dẫn con, cháu gái mình từng bước một để làm nên những bộ trang phục hay áo choàng rực rỡ những sắc đỏ - đen với đường nét đặc trưng. Cứ như vậy, từ đời này sang đời khác, dệt thổ cẩm chứa đựng kỷ niệm giữa các thế hệ trong gia đình.
“Không làm thì thôi, nhưng hễ bắt đầu dệt thì tôi lại nhớ về những ngày tháng mới bắt đầu tập tành thêu hoa văn. Vì mới làm, tay nghề còn vụng về nên đường nét chưa sắc, cứ phải học mẹ, học bà mãi. Khi ấy, dù thấy khó nhưng tôi rất vui vì đã biết dệt thổ cẩm như các chị, các mợ”, chị Bông kể.
Cũng đam mê với đồ thủ công, chị Đào Thu Trang (phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) gắn bó với đan len.
Khác với những bạn nhỏ khác ở thành phố, tuổi thơ của chị là những ngày tháng “bám riết” lấy mẹ để học đan len, chăm chú từng đường kim, nút thắt. Tình yêu của chị với đồ thủ công cũng nảy sinh từ dạo ấy. Dần dần, từ những cuộn len thông thường, chị có thể tự tay làm ra những chiếc nón, túi xách, móc khóa… với đủ hình dáng, màu sắc.
Các bạn trẻ cùng nhau làm tranh len tại tiệm của chị Trang. Ảnh: NVCC
Một kỷ niệm mà chị Trang nhớ mãi, khi dịch Covid-19 nổ ra, chị thôi việc ở TP Hồ Chí Minh và quay về nhà. “Lúc ấy, tôi căng thẳng, hoang mang, chưa biết làm gì nên đã dành nhiều thời gian đan len vì nó giúp tôi bình tĩnh hơn. Sau đó, tôi chia sẻ những món đồ nhỏ xinh do chính mình làm ra trên mạng xã hội, vô tình được nhiều bạn trẻ yêu thích và hỏi thăm. Thế là, 100 đơn đặt hàng trong 1 tháng đã giúp tôi tìm ra hướng đi mới”, chị Trang chia sẻ.
Không chỉ tự làm ra trang phục, chị em còn mong muốn được giữ gìn, lan tỏa nét đẹp từ đồ thủ công. Vừa là nghệ nhân dệt thổ cẩm, vừa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Bông luôn khích lệ phụ nữ trong làng truyền dạy kỹ thuật dệt cho thế hệ sau; đồng thời động viên các hộ dân không vì khó khăn mà làm mất đi nét đẹp ấy. Ngoài ra, Hội LHPN xã còn tổ chức dạy nghề để có thêm nhiều chị em hiểu, biết và yêu nghề dệt truyền thống.
Còn với chị Trang, việc các sản phẩm thủ công làm từ len được yêu thích đã thôi thúc chị chia sẻ kỹ thuật đan len với nhiều bạn trẻ. Chị tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, hướng dẫn cách đan len, những kiểu móc len phổ biến cùng những sản phẩm biến tấu như làm tranh len, đế lót ly…
DIỆU NGỌC