Những tân sinh viên trường nghề đặc biệt
Năm học 2022 - 2023, hàng nghìn học sinh đã lựa chọn học nghề. Trong hành trình của mỗi người đều chất chứa những ước mơ, động lực. Và, có không ít trường hợp bước vào trường nghề với những câu chuyện thật đặc biệt.
Nữ sinh duy nhất của ngành Công nghệ ô tô
Sau rất nhiều năm luôn có 100% học sinh, sinh viên là nam, năm học 2022 - 2023, khoa Công nghệ ô tô (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) có gương mặt nữ sinh đầu tiên. Đó là Lê Thị Yến Nhi, 29 tuổi, ở thôn Long Thành, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn.
Yến Nhi là chị cả trong một gia đình có 4 người con. Kinh tế có phần khó khăn, nên từ khi vừa học hết cấp 2, Nhi đã quyết định ngừng học, đi làm phụ giúp gia đình lo cho các em. Cô gái vừa làm công nhân ngành gỗ, vừa làm thêm nhiều việc khác để có thể đạt được mục tiêu phụ giúp cha mẹ phần nào.
Trong suốt những năm tháng đi làm công nhân, Nhi vẫn trăn trở với suy nghĩ: Có lẽ mình cần vững một cái nghề để có nguồn thu nhập ổn định hơn, vun đắp cho ngày mai tốt đẹp hơn. Suy nghĩ ấy ngày một mạnh mẽ khi hai người em kề Nhi đã ra trường, tìm được công việc. Và thế là, Yến Nhi đã quyết định đi học trở lại. Chưa có bằng tốt nghiệp THPT, Nhi đăng ký đi học văn hóa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Ở tuổi 26, vừa đi làm, vừa đi học, Nhi gặp rất nhiều áp lực.
“Nghỉ học một thời gian, khi quay trở lại, tôi phải nỗ lực rất nhiều lần mới theo kịp các em nhỏ tuổi hơn. Đã có lúc bật khóc vì học không vào, vì bất lực khi không giải được bài tập. Mùa ôn thi tốt nghiệp THPT, tôi không ngủ được”, Nhi tâm sự.
Những nỗ lực không ngừng đã giúp Nhi tốt nghiệp THPT. Cô gái gần 30 tuổi cũng vỡ òa cảm xúc khi đạt được kết quả như mình ao ước và chính thức trở thành sinh viên hệ cao đẳng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn.
Giáo viên chủ nhiệm dẫn các tân sinh viên nghề Công nghệ ô tô đi tham quan xưởng thực hành. - Trong ảnh: Yến Nhi - nữ sinh duy nhất của khoa Công nghệ ô tô đứng hàng đầu, thứ ba từ phải sang. Ảnh: N.M
Lý giải về sự lựa chọn học Công nghệ ô tô thay vì những nghề được số đông nữ giới lựa chọn, Nhi chia sẻ: “Nhìn vào thực tế, thấy đất nước ngày một phát triển, số lượng người sử dụng ô tô ngày một tăng, có nghĩa là, trong tương lai, nghề công nghệ ô tô sẽ cần nhiều lao động. Hơn nữa, ba tôi rất ham mê máy móc, thiết bị, ông tự sửa xe máy, điện trong nhà; từ ba chỉ dẫn, tôi cũng biết một số thao tác đơn giản liên quan đến sửa điện. Tôi cứ nhớ câu nói của ba mỗi lần sửa xe máy: Vầy thì, cái ô tô chắc nó phải thú vị hơn nữa. Ba vừa mất khoảng 1 năm nay. Tôi muốn mang theo ước muốn đó của ba vào sự lựa chọn lần này”.
Nhiều bạn bè khi biết Nhi chọn học Công nghệ ô tô đã rất ngạc nhiên. Nhi đáp lại sự thắc mắc của bạn bè một cách điềm tĩnh: Đâu có ai cấm con gái học Công nghệ ô tô, tại mọi người quen nghĩ vậy thôi. Vì là sinh viên nữ duy nhất của khoa nên Nhi nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ tận tình của các thầy cô trong khoa. Môi trường năng động, gần gũi của khoa, trường đã giúp Nhi và các tân sinh viên khác nhanh chóng bắt nhịp, gắn bó. Yến Nhi tâm sự sẽ tập trung cho việc học, thực hành tại trường, trân trọng các cơ hội thực tập tại DN để sẽ có cơ hội được mời trở lại làm việc sau khi tốt nghiệp.
Dừng đại học, bắt đầu lại với nghề
Đặng Văn Hát (20 tuổi, ở khu vực Lý Tây, phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) hiện là tân sinh viên lớp Cao đẳng Điện tử công nghiệp A K16. Trước đó, Hát là sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh. Học xong một học kỳ tại trường đại học, Hát quyết định quay về quê, đi làm thêm trong lúc chờ nộp hồ sơ vào học trường nghề.
Lý do Hát quyết định nghỉ ngang đại học phần lớn là vì hoàn cảnh gia đình. Hát là con một trong gia đình. Mẹ Hát mắc bệnh thần kinh nhẹ, là mẹ đơn thân. Từ khi còn là học sinh cấp 3, Hát đã theo các chú, các anh gần nhà đi làm thêm mỗi khi có thời gian, dành dụm tiền bạc phụ mẹ trang trải cuộc sống. Số tiền chuẩn bị nhập học đại học cũng do Hát và mẹ tích lũy từ những lần đi làm thêm.
Hát được giảng viên hướng dẫn thực hành trên máy tính. Ảnh: N.M
Giữa Sài Gòn rộng lớn, mọi chi phí đắt đỏ, Hát nhận ra 4 năm đại học là gánh nặng không nhỏ cho mẹ và chính mình. Hát muốn chọn lại một lối đi phù hợp với hoàn cảnh của mình. Em đã dũng cảm bỏ ngang đại học để học nghề, dù với nhiều người, lựa chọn này rất đáng tiếc, rất uổng công sức. Nhưng Hát không tự ti về sự lựa chọn lần thứ hai, bởi em biết bản thân mình cần gì, phù hợp với điều gì.
Hiện tại, Hát vẫn tranh thủ thời gian rảnh để đi làm thêm. Hát tâm sự: “Em muốn mình nhanh chóng trưởng thành, có việc làm ổn định để lo cho mẹ. Mẹ chỉ có mình em để nương tựa thôi! Các thầy cô biết hoàn cảnh của em nên rất hay động viên, nhắc nhở em học hành để từng bước hình thành tay nghề, kỹ năng tốt, sau này kiếm được tiền nhờ vào tay nghề của mình”.
NGUYỄN MUỘI