Phòng ngừa chứng béo phì ở trẻ em
Thừa cân béo phì ở trẻ là tình trạng tích lũy mỡ trong cơ thể do hậu quả của sự mất cân bằng năng lượng, trong đó năng lượng đưa vào vượt quá năng lượng tiêu hao. Thừa cân béo phì gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và người lớn.
Các chuyên gia y tế cho biết, nguyên nhân chính là do phụ huynh bận rộn đi làm không có thời gian chăm sóc, nấu ăn, nên thường dẫn trẻ đi ăn tại các tiệm thức ăn nhanh, điều này đã trở thành thói quen của trẻ. Và quan trọng những loại thức ăn này chứa hàm lượng chất béo, lượng đường rất cao. Việc sử dụng thường xuyên nước ngọt trong các bữa ăn cũng làm tăng khả năng mắc chứng béo phì. Nhiều trẻ ít vận động, thời gian rãnh rỗi trẻ thường được cho xem phim, chơi game, ăn uống, tụ tập bạn bè...
Thức ăn nhanh với hàm lượng chất béo, lượng đường rất cao cộng với việc lười vận động là nguyên nhân chính gây ra chứng béo phì.
Béo phì ở trẻ em nếu không phòng ngừa, điều trị sớm sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội và y tế. Người lớn béo phì có tiền sử từ nhỏ sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh như: Tăng huyết áp, tai biến mạch máu não; tăng cholesterol dẫn tới nhồi máu cơ tim, tiểu đường, bệnh xương khớp. Bên cạnh đó, có nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư, giảm tuổi thọ ở người lớn. Chính vì vậy, béo phì ở trẻ cần phải can thiệp sớm. Mục tiêu giúp cho trẻ có một cân nặng và sức khỏe tốt bằng cách làm chậm tăng cân hoặc ngừng tăng cân. Kiểm soát và duy trì cân nặng lý tưởng theo chiều cao, bảo đảm trẻ tăng trưởng tốt theo lứa tuổi.
Để đạt được kết quả trên, phụ huynh cần điều chỉnh chế độ ăn bằng cách xây dựng thực đơn khẩu phần ăn cân đối, hợp lý như giảm bớt chất béo, chất bột đường, bớt gạo thay bằng ngô khoai. Tăng cường rau quả để cung cấp chất xơ. Giảm đồ ngọt, nước ngọt, bánh kẹo…Chế biến thức ăn dưới dạng hấp, luộc, giảm chiên, xào. Hạn chế ăn thực phẩm ăn nhanh. Điều chỉnh hợp lý khoảng cách giữa các bữa ăn, không để trẻ quá đói vì nếu trẻ bị đói trẻ sẽ ăn nhiều hơn vào các bữa sau, làm mỡ tích lũy nhanh hơn.
Cùng với đó, nên tăng cường hoạt động thể lực phù hợp theo từng lứa tuổi để tiêu hao năng lượng, trẻ tham gia các hoạt động ít nhất trong 30 phút/ngày và 3 ngày/tuần. Giảm bớt thời gian xem ti vi, chơi điện tử, tránh vừa ăn vừa xem ti vi.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)