Phòng bệnh dại ở người: Phải tiêm vắc xin, làm theo hướng dẫn
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030. Phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030. Tại Bình Ðịnh, dù công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại được thực hiện thường xuyên; tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đã có 2 trường hợp tử vong vì bệnh này.
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế địa phương, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021). Đặc biệt trong thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao; ngược lại, có xu hướng gia tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới. Nguy cơ dịch bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây bệnh trên người trong thời gian tới là rất cao.
Tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: T. KHUY
Mục tiêu Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đến năm 2030 cả nước có 100% quận, huyện có điểm tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại cho người. 100% số người tiêm vắc xin phòng dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia. 90% số người bị phơi nhiễm với bệnh dại được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Đặc biệt, đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong vì bệnh dại so với giai đoạn 2017 - 2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030...
Tại Bình Định, từ đầu năm đến nay, ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại. Theo các chuyên gia y tế dự phòng, huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại gọi là phương pháp điều trị dự phòng, tức là khi chưa phát bệnh chứ khi đã mắc bệnh rồi thì không có thuốc điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp khi bị động vật cắn, chủ yếu là chó, mèo cắn không chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, hoặc tiêm không đủ liều theo hướng dẫn để xảy ra các trường hợp đáng tiếc.
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Về bệnh dại thì cái khó nhất là không khống chế được đàn chó, tỷ lệ tiêm vắc xin cho chó rất thấp, đồng thời người dân vẫn còn thói quen nuôi chó thả rông. Do vậy, bất kỳ chó, mèo dù đã được tiêm phòng hay chưa khi bị cắn người dân đều phải đi tiêm phòng bệnh dại và theo dõi. Nếu có biểu hiện dại phải tiêm đủ liều, còn trường hợp qua 10 ngày mà chó vẫn bình thường thì có thể tiêm tiếp hoặc không tiêm tiếp nhưng bắt buộc phải vừa tiêm vừa theo dõi.
Tại TTYT huyện Tuy Phước, mới 7 giờ sáng, trong vòng 10 phút đã có 3 người đến thông báo bị chó cắn và tiêm vắc xin phòng dại. Chị B.N.T (43 tuổi, ở thị trấn Tuy Phước, cho biết: Chó nhà xích lâu ngày nhưng hôm đó thả ra thì cắn người. Sau khi bị chó cắn, tôi đến ngay TTYT để tiêm vắc xin.
Về vai trò của huyết thanh và vắc xin phòng dại, ông Bùi Ngọc Lân lưu ý: Để phòng, chống bệnh dại nên tiêm phòng trước cho vật nuôi. Còn khi đã bị động vật dại, nghi dại cắn thì việc phòng ở người, trong đó có sử dụng huyết thanh hoặc vắc xin dại là rất quan trọng. Lưu ý vắc xin dại chính là phòng bệnh dại, còn huyết thanh không có ý nghĩa phòng bệnh, nó chỉ có ý nghĩa trong trường hợp khẩn cấp, giúp kéo dài thời gian ủ bệnh để vắc xin kịp đáp ứng. Cho nên, một số người cho rằng tiêm 1 mũi huyết thanh dại rồi không cần tiêm thêm vắc xin là sai lầm.
Về vấn đề kiểm soát, phòng, chống bệnh dại ở người, ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin, từ trước đến nay, Sở thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và TTYT các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn; tuyên truyền để người dân hiểu và đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại kịp thời. Nay Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 thì việc chủ động truyền thông phòng bệnh; dự trù, dự trữ, ký hợp đồng, mua sắm, đảm bảo đáp ứng đủ vắc xin phòng, chống dịch bệnh dại và huyết thanh kháng dại cho nhân dân trên địa bàn sẽ được tổ chức bài bản, quyết liệt hơn. Đồng thời, TTYT các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố trong công tác triển khai đồng bộ việc tuyên truyền, giám sát dịch tễ, phát hiện và xử lý ổ dịch. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật cho TTYT các huyện, thị xã, thành phố trong việc giám sát dịch tễ, phát hiện và xử lý ổ dịch bệnh dại.
THẢO KHUY