Không được chủ quan trong mùa mưa bão
Trong công tác ứng phó với thiên tai, việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của các cấp, ngành, địa phương. Tuy nhiên, vẫn có một số người dân còn chủ quan, thiếu ý thức chủ động bảo vệ chính mình khi xảy ra mưa bão, lũ lụt.
Ngư dân Bình Định hiện có khoảng hơn 5.900 tàu cá, trong đó phần lớn là tàu cá khai thác xa bờ, vươn khơi bám biển, đối diện với nhiều rủi ro, nguy hiểm hơn khi thiên tai diễn biến bất thường. Mỗi khi có bão, BĐBP tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các địa phương ven biển sớm cảnh báo, phối hợp với gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, vẫn xảy ra các trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống thiên tai.
Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão số 4 tại Cảng cá Tam Quan (TX Hoài Nhơn) vào cuối tháng 9.2022. Ảnh: TIẾN SỸ
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh, mỗi khi có bão lại lo, bởi không phải tàu cá nào nghe thông báo, nhắc nhở cũng chủ động di chuyển tránh, trú. Nhiều khi phải gọi nhắc đi nhắc lại, thông báo về gia đình chủ tàu phối hợp thì các tàu này mới chấp hành.
“Trong cơn bão số 4 (Noru) vừa qua, có 3 tàu cá của ngư dân TX Hoài Nhơn dù chúng tôi đã sớm thông báo nhưng vẫn chỉ chạy loanh quanh trong vùng nguy hiểm. Trong bão, áp thấp nhiệt đới, sóng to gió lớn khó lường, thái độ chủ quan của ngư dân có thể dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc...”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công, dù địa phương rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ ngư dân, yêu cầu gia đình ký cam kết kêu gọi người nhà chấp hành các quy định đảm bảo an toàn khi có bão, nhưng vừa qua vẫn xảy ra 3 trường hợp không chấp hành quy định nêu trên.
UBND thị xã đang chỉ đạo Đồn Biên phòng Tam Quan Nam đề xuất xử phạt 3 tàu cá này, đồng thời có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét việc cắt hỗ trợ chi phí nhiên liệu chuyến biển theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ đối với 3 tàu cá trong thời hạn 1 năm.
Trong cơn bão số 9 năm 2020, cũng có một trường hợp tàu cá của ngư dân TX Hoài Nhơn đã bị xử phạt vì không chấp hành quy định về phòng, chống thiên tai. “Thị xã kiên quyết xử lý nghiêm để răn đe. Trong cuộc họp sắp tới, để đánh giá lại công tác ứng phó với bão số 4 vừa qua, chúng tôi sẽ tiếp tục nhắc nhở việc tàu cá chấp hành quy định bảo đảm an toàn khi có bão”, ông Công cho biết.
Để ứng phó với nguy cơ mất an toàn cho người dân mỗi khi có bão, mưa lớn gây lũ lụt, nguy cơ sạt lở đất, đá trên núi, công tác di dời dân đến nơi tránh trú luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn còn chủ quan. Trong công tác ứng phó với cơn bão số 4 vừa qua, khi tìm hiểu công tác chuẩn bị di dời dân ở một xã thường ngập sâu, chúng tôi đến một căn nhà ở sát cạnh bờ sông có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao. Khi hỏi chuyện, một thành viên trong gia đình cho biết: “Cũng nghe thông báo, nhưng chúng tôi không lo nguy hiểm, muốn ở lại để giữ nhà cửa, tài sản của mình...”.
Đến một xã khác trong tỉnh đúng vào buổi chiều khi cơn bão số 4 đang sắp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, khi địa phương đang phát loa ra rả thông báo các hộ ở gần chân núi có nguy cơ sạt lở mau chóng di dời đến nơi tránh trú, thì có gia đình vẫn để trẻ em một mình ở nhà, người lớn lại đi lo làm việc khác...
Sự chủ quan của người dân trước, trong và sau khi có bão, mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở có thể dẫn đến nguy hiểm, thậm chí mất đi mạng sống của mình. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, mưa lớn, lũ lụt năm 2021 đã làm 4 người dân thiệt mạng. Trong đó, có 1 trường hợp thiệt mạng do “nổi hứng đi bắt cá để kiếm đồ ăn hay mồi nhậu gì đó”, khi về lội qua bờ tràn bị nước cuốn trôi...
HOÀI THU