Kim Jong Un và ván cờ với các cường quốc
Chỉ trong một thời gian ngắn, Triều Tiên trở thành tâm điểm của cả thế giới. Và cùng lúc đó, lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un chứng minh cho công chúng trong và ngoài nước thấy rằng ông là một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất trên vũ đài thế giới.
Cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên không phải là một sự đưa đẩy của những sự kiện tình cờ, chính xác hơn, đó là một ván bài hay một cuộc chơi mà lãnh đạo Kim Jong Un đã tính toán sẵn.
Với vị lãnh đạo trên dưới 30 tuổi này, cuộc chơi này không thể thua, cho dù đó với các cường quốc Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và thậm chí cả với Trung Quốc.
Những nấc thang căng thẳng được đẩy lên liên tục với cường độ mạnh hơn bao giờ hết. Khác với ông nội Kim Nhật Thành hay người cha quá cố Kim Jong Il, Kim Jong Un đưa ra những lời đe dọa với chiến thuật được nghiên cứu kỹ.
Mỗi ngày ông đưa ra một lời đe dọa khác nhau và dường như cỗ máy tuyên truyền của Bình Nhưỡng không bao giờ cạn lời trong khía cạnh này. Với sự góp sức của internet, youtube và khả năng đa dạng hóa cách thể hiện thông điệp, hiệu ứng gây hoang mang càng được phát huy hết mức có thể.
Quân chủ bài của Jong Un là vũ khí hạt nhân. Nếu như trước kia, Mỹ và phương Tây vẫn nghĩ rằng hạt nhân trong tay Triều Tiên chỉ đóng vai trò như một món hàng trong các vụ mặc cả lấy viện trợ, thì giờ đây họ đã hiểu rằng Kim Jong Un đã thay đổi chiến lược.
Thông điệp của Jong Un đã rất rõ ràng khi Bình Nhưỡng tuyên bố rằng hạt nhân của họ không phải để đổi lấy tiền, dù là ‘hàng tỉ USD' viện trợ đi chăng nữa.
Một khi tiềm lực hạt nhân (thậm chí chưa) xác thực, Kim Jong Un đã nâng tầm cho sự lợi hại của thứ vũ khí này. Lãnh đạo Triều Tiên hiểu rõ về bản chất, đây sẽ là lá chắn an ninh hữu hiệu nhất cho Triều Tiên trước mọi mối đe dọa từ Mỹ hoặc các nước đồng minh.
Như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, Triều Tiên vốn là nước vận dụng quá xuất sắc ‘thực dụng chính trị’, nên mục đích chính của Bình Nhưỡng trong lần gây rối này là một sự công nhận vị thế hạt nhân – hay nói cách khác là thế giới phải dành cho Triều Tiên là một ghế trong nhóm các quốc gia hạt nhân.
Công nhận hay không đó là việc của mỗi bên, nhưng về phía Triều Tiên, Kim Jong Un đã làm được một điều vô cùng quan trọng: Từ nay về sau, không ai dám nghĩ đến việc đánh đổ Triều Tiên bằng vũ lực.
Và quả thật, dường như Kim Jong Un đã khiến cho Mỹ và các đồng minh (cũng như cả thế giới) gần như tin điều đó là thật.
Washington không có nhiều manh mối về vũ khí này của Triều Tiên, nên dù bán tín bán nghi, họ vẫn hành động ở mức độ ‘răn đe’, thậm chí còn có phần dè chừng và có biện pháp hướng tới việc xuống thang trước.
Mặc dù vẫn theo đuổi sách lược ‘bên miệng hố chiến tranh’, nhưng cách tiếp cận của Jong Un có nhiều điểm khác với cha mình. Cố lãnh đạo Kim Jong Il hay vận dụng quy luật hòa hoãn và căng thẳng xen kẽ nhau.
Như vậy, với vũ khí hạt nhân và kho vũ khí thông thường đáng nể, cộng với đòn tâm lý chiến, Bình Nhưỡng khiến cho lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản và - ở bên kia đại dương là - Mỹ cũng ‘ăn không ngon, ngủ không yên’ vì cảm giác chiến tranh lúc nào cũng có thể xảy ra.
Và quả thật là chiến lược này đã phát huy tác dụng không ngờ. Washington, Tokyo và Seoul đã phải căng như dây đàn trong suốt thời gian khủng hoảng, nghe ngóng thông tin tình báo từ phía một Bình Nhưỡng chủ động hơn rất nhiều.
Đơn cử, chỉ một động thái di chuyển tên lửa sang bờ biển phía đông của Bình Nhưỡng cũng khiến Mỹ, Hàn, Nhật rầm rập lo triển khai mọi loại lá chắn. Trong khi giới chức các nước ngồi đếm ngày, đoán giờ Triều Tiên phóng thử tên lửa thì quốc gia ‘chính chủ’ lại tưng bừng mở hội, thi chạy marathon và trình diễn văn nghệ.
Nhưng vì mọi lời đe dọa của Kim Jong Un đều đáng sợ và đanh thép như nhau nên không quốc gia nào trong tầm bắn giả định của tên lửa Triều Tiên có phút nào lơ là cảnh giác.
Không chỉ là người xoay chuyển cục diện theo hướng có lợi cho mình, Kim Jong Un còn muốn áp đặt cuộc chơi theo cách mình muốn. Trong đó, Triều Tiên và Mỹ sẽ đàm phán ‘tay đôi’ với nhau, chứ không có sự hiện diện của Hàn Quốc.
Đó là lý do tại sao Triều Tiên sẵn sàng thẳng tay cho đóng cửa khu công nghiệp Kaesong với Hàn Quốc. Dù khu công nghiệp này mang lại cho Triều Tiên 200 triệu USD mỗi năm, nhưng nó vẫn không đáng giá bằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên hiểu rằng, với Hàn Quốc, chỉ cần 500.000 khẩu pháo đầu đạn thường cũng đủ làm Seoul thiệt hại nặng nề chỉ trong một giờ đầu tiên nổ ra chiến sự.
Nên thứ vũ khí lợi hại nhất của họ là hạt nhân sẽ dành để đối phó với kẻ thù lớn nhất – đó là Mỹ, và tất nhiên, ‘chiến lợi phẩm’ mà họ mong muốn cũng sẽ phải tương thích với công sức họ bỏ ra lúc này.
Kim Jong Un không úp mở gì với thông điệp này khi cho đăng tải trên kênh Youtube một loạt video tấn công hạt nhân vào Mỹ, và tính toán một cuộc chiến 3 ngày với Hàn Quốc.
Ngay với cả Trung Quốc – quốc gia đồng minh và cũng là ‘nước bảo trợ’ lớn nhất của Triều Tiên, Kim Jong Un cũng không cần phải tỏ ra quá quỵ lụy. Từ sau khi nắm quyền, Jong Un chưa tới Trung Quốc lần nào.
Ngay cả khi Bắc Kinh tỏ ra bực mình với các cuộc thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, Bình Nhưỡng cũng không cảm thấy phải sốt ruột. Sự thật là dù cho có khó chịu đến mấy, căng thẳng có leo thang đến mức nào đi chăng nữa thì Bắc Kinh vẫn là người dảm bảo cho sự toàn vẹn của ít nhất là Triều Tiên và rộng hơn là cả bán đảo Triều Tiên. Nói cách khác, sự tồn vong của chế độ Triều Tiên có tầm quan trọng sống còn với Trung Quốc.
Xâu chuỗi mọi toan tính này của Bình Nhưỡng trong cuộc chơi mà dường như Kim Jong Un đang chiếm ưu thế và quyền chủ động, có lẽ Henry Kissinger sẽ phải nghĩ lại khi nói rằng những hành động và tuyên bố này chỉ là ‘chiến lược của người điên’.
Theo VNN