Từ danh xưng xứ Nẫu đến tỉnh Chiêm
Xứ Nẫu là cụm từ đặc biệt để nói về vùng đất ngày nay thuộc 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Về danh xưng này, đã có nhiều người kiến giải, nay từ di sản Mộc bản triều Nguyễn, chúng tôi xin góp thêm đôi điều.
Do đâu mà có danh xưng xứ Nẫu
Giữa thế kỷ XVI, công cuộc khai phá vùng đất Đàng Trong thực sự diễn ra mạnh mẽ và bắt đầu từ năm Mậu Ngọ (1558), khi Chúa Nguyễn Hoàng lĩnh mệnh vào trấn thủ ở Thuận Hóa. Năm Canh Ngọ (1570), được giao cai quản luôn vùng đất Quảng Nam, nhờ thúc đẩy kinh tế thương mại khu vực này phát triển, thế và lực của chúa Nguyễn ở Đàng Trong ngày càng vững vàng và công cuộc mở cõi về phương Nam càng thêm thuận lợi. Chúa Nguyễn Hoàng ra sức xây dựng lực lượng độc lập, biến vùng đất Đàng Trong thành vùng cát cứ riêng biệt, bắt đầu xác lập vị thế đối trọng với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Năm Tân Hợi (1611), chúa Nguyễn Hoàng cho thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm Kỷ Tỵ (1629), chúa Nguyễn Phúc Nguyên nâng cấp phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên. Do đây là vùng đất mới, dân cư thưa thớt nên các đơn vị hành chính của vùng biên viễn có nhiều nét đặc thù. Theo đó dưới cấp huyện có cấp thuộc, dưới thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như phường, nậu, man. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu một nậu gọi là đầu nậu.
Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 9, mặt khắc 4 giải thích: “Mỗi thuộc lấy những thôn, phường, nậu, man lẻ tẻ họp lại (nậu nghĩa là làm cỏ ruộng, tục gọi đám đông người là nậu, ý là hợp nhiều người để làm ruộng)”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 9, mặt khắc 4 ghi về đơn vị hành chính “nậu” và giải thích ý nghĩa của chữ nậu. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Như vậy, nghĩa ban đầu của từ “nậu” là chỉ một nhóm người làm cỏ ruộng. Về sau nậu là tên gọi một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu nậu. Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá...
Năm Bính Ngọ (1726), chúa Nguyễn Phúc Chú sai Ký lục Chính dinh là Nguyễn Đăng Đệ định rõ chức lệ cho các thuộc mới lập. Lúc này, các đơn vị hành chính như thuộc, nậu bị xóa bỏ. Tuy nhiên, từ “nậu” đã trở nên quen thuộc và được biến nghĩa là dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và sau này dùng để gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba. Theo phương ngữ của vùng đất Phú Yên, Bình Định, từ “nậu” tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: “Ông ấy”, “bà ấy” được thay bằng “ổng”, “bả”. Anh ấy, chị ấy được thay bằng “ảnh”, “chỉ”. Và thế là “nậu” được thay bằng “nẩu”.
Trải qua thời gian, cùng với đặc trưng ngữ âm của vùng Bình Định và Phú Yên, “nẩu” hay được phát âm là “nẫu”, vì những lý do này, mà vùng đất Bình Định và Phú Yên còn được gọi tên là xứ Nẫu.
Đến danh xưng tỉnh Chiêm
Ít ai biết rằng, tỉnh Bình Định còn có một tên gọi khác đó là “tỉnh Chiêm”. Tên gọi này được bắt đầu xuất hiện từdưới thời vua Minh Mạng. Tuy nhiên thời gian chính xác xuất hiện tên gọi này cho đến nay vẫn chưa thấy tài liệu nào nói đến.
Vào năm Nhâm Thìn (1832), để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trong cả nước, vua Minh Mạng tiếp tục cho thực hiện cuộc cải cách hành chính lần thứ hai, theo đó cho chia các trấn, doanh từQuảng Nam trở vào Nam, trong đó có tỉnh Bình Định thành tỉnh (cuộc cải cách tương tự trước đó diễn ra vào năm Tân Mão 1831, chia các trấn từ Quảng Trị trở ra Bắc thành 18 tỉnh).
Cùng với việc thành lập tỉnh Bình Định, cũng dưới thời vua Minh Mạng, tỉnh Bình Định còn có một tên gọi khác đó là tỉnh Chiêm. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 85, mặt khắc 13 ghi như sau: “Tỉnh Hà Tiên: Thống trị phủ Khai Biên và 3 huyện Hà Châu, Long Xuyên, Kiên Giang. Phủ Khai Biên nguyên là phủ An Biên đổi ra; huyện Hà Châu nguyên là huyện Hà Tiên đổi ra. Về sau Bình Định có tên khác là tỉnh Chiêm, Hà Tiên có tên khác là tỉnh Biên”.
Tuy nhiên vì sao lại gọi như thế đến nay chúng tôi vẫn tìm chưa được tài liệu nào giải thích. Về tên gọi tỉnh Chiêm, trong các văn bản thuộc khối Mộc bản triều Nguyễn cũng thường ít sử dụng. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 28, mặt khắc 10, có ghi việc vua Thiệu Trị vào năm Quý Mão (1843), có nhắc đến tỉnh Chiêm (tức tỉnh Bình Định) trong trường hợp sau: “Ngày Nhân Thìn, có luồng khí trắng vắt qua trên trời (một luồng dài từTây Bắc chỉ chếch sang Đông Nam). Vua rời điện chính, bớt món ăn, bãi âm nhạc, dụ cầu lời nói thẳng. Dụ rằng: “Cứ như 2 tỉnh Chiêm, Ngãi lần lượt tâu báo: Trong hạt bỗng gặp lệ khí, nhân dân, phần nhiều bị nhiễm bệnh, chết... Đã xuống chỉ dụ chi của kho, tìm nhiều cách phát thuốc đi khắp để cứu chữa…”.
CAO THỊ QUANG