Những lát cắt khiến lòng ta bâng khuâng
Những con mắt ký ức (NXB Văn học) là tập sách với hơn 40 đoản văn của Thục Linh, vừa ra mắt bạn đọc tháng 10.2022. Mỗi bài viết trong sách là một lát cắt nhỏ về những gì tác giả trải qua, đó là sự chan hòa với thiên nhiên cây cỏ, chạm ngõ những hồn nhiên yêu thương, bổi hổi rung động, san sớt đồng cảm… Xuyên suốt trong những mẩu chuyện nhỏ ấy, chúng ta bắt gặp hình ảnh “Mắt Nhỏ”. Mắt Nhỏ là một phần ký ức của người viết, cũng là một người bạn nhỏ để nhân vật tôi kể lại/ đối thoại.
Khi là Mắt Nhỏ, khi là ngươi, đó là một sự phân thân của trí tưởng để kéo về những miền mơ tưởng. Nhiều trong những ký ức ấy, là bàng bạc mênh mang một vẻ đẹp khiến cho ta phải bâng khuâng. Ví như, khi tác giả kể về mùa hoa cải vàng bãi sông xưa giữa một ngày tháng Mười chẳng hạn: “Tháng 10, ngươi bơi trên một biển phấn vàng phấp phới của ngồng cải vừa trổ hoa. Bãi sông đã hóa bãi vàng. Ta nghe cha ta kể về những người dành hết đời mình để đãi lấy những quặng vàng li ti bên cạnh một con sông nào đó, tại một châu lục nào đó. Họ khổ thật, Mắt Nhỏ, người lớn luôn khổ vì những chuyện bé con như thế, như ta và ngươi chiều nay có phải đào đãi gì đâu, chúng ta sở hữu cả một bãi sông vàng lộ thiên trong ánh mặt trời chênh chếch. Vàng ơi hoa cải, không có hương thơm quyến rũ như hoa hồng. Nồng và giản dị. Nó hợp với ta và ngươi biết mấy, cái mùi hương thô ráp, khỏe mạnh, một hương thơm sừng sững. Vàng ơi hoa cải, cũng đã hóa thành trang sức của muôn ngàn ong bướm, là tấm khăn choàng quý phái của bãi sông tháng 10 nước trôi chầm chậm” (Bãi sông).
Trong thẳm sâu ký ức, niềm vui hay nỗi buồn, tiếng cười hay tiếng khóc, đều đã “sống” và làm dậy lên nơi mỗi chúng ta bao xúc cảm. Tác giả đưa người đọc qua nhiều cung bậc ấy. Nhưng điều anh luôn hướng đến là sự nhân văn, bồi đắp tâm hồn để con người biết chia sớt nhau hơn. Dễ tìm thấy trong tập sách này những mẩu chuyện, hình ảnh cảm động cứ khiến người đọc lằng lặng... Ví như, khi anh viết về một thân phận đàn bà: “Bà ta cười khi lũ trẻ ném vào bà tất cả lời trêu chọc và mọi thứ cành cây, nắm cỏ chúng vớ được bên đường. Ta hứa với ngươi là sẽ không chơi với đám trẻ ấy. Người ta có quyền trêu nhau mọi thứ trừ nụ cười và giọt nước mắt. Người đàn bà ấy vẫn đi với nụ cười, mặt trời hỗn từng sợi nắng trên mái tóc rối bù của bà. Bà ấy không sống với chúng ta, bà ấy bước đi bằng đôi chân khác trên một mặt đất khác” (Người đàn bà điên).
Nhà văn Thục Linh dí dỏm tự bạch: “Một trẻ con đã bị lớn, tên ở nhà là Trần Vương Thuấn. Quê ở Phan Rang. Hiện là ông ba của một trẻ con tên Rơm ở Sài Gòn”. Tập sách này, có lẽ như một món quà nhỏ của anh dành cho Rơm và nhiều bạn nhỏ khác. Hơn thế, sự dễ thương và độ gợi mở từ sách có lẽ phù hợp với nhiều lứa tuổi bạn đọc, miễn trong những tâm hồn ấy, có cánh cửa mở về thế giới của con trẻ, có những bâng khuâng hoài niệm. Mềm mại trữ tình và phong phú những ảnh hình, Những con mắt ký ức để lại nhiều cảm tình cho bạn đọc. Tập sách như lọc gạn bao xô bồ mỏi mệt, róc rách chảy vào lòng người đọc những dòng nước mát dịu, thấm ngọt từ bao dung dị, nhân ái con người.
VÂN PHI