Chính phủ yêu cầu xử lý ngân hàng yếu kém
Trong Nghị quyết 130 Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng.
Nghị quyết đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới thời gian tới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực, gia tăng khả năng suy thoái kinh tế. Đồng thời,cạnh tranh chiến lược và xung đột quân sự tại một số khu vực tiếp tục gay gắt...
Trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi, dễ phát sinh những vấn đề khó lường, phức tạp, chưa có tiền lệ. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực nhưng tăng trưởng có khả năng khó khăn hơn trong quý IV/2022 và năm 2023.
Do đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại tệ, mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp.
Đặc biệt, cần khẩn trương triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị về phương án xử lý đối với các ngân hàng yếu kém, song song đó hoàn thiện phương án xử lý ngân hàng thương mại yếu kém còn lại.
Trong lúc này, Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả, rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ mở rộng sản xuất, kinh doanh; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên.
Cơ quan quản lý tài chính đồng thời tập trung triển khai Nghị định 65 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, bên cạnh thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao rà soát, kiến nghị cắt giảm các thủ tục, quy định hành chính không cần thiết để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối hiệu quả doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về phía Bộ Công Thương, bên cạnh các vấn đề về xúc tiến thương mại, cơ quan này cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở bán lẻ xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoạt động không đúng quy định, thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ, cũng như tăng cường quản lý thị trường tiêu dùng nói chung.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng rà soát dự án bất động sản đang gặp vướng mắc, chủ động phối hợp với cơ quan, địa phương để xử lý, tháo gỡ và hoàn thành đề án về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để trình Thủ tướng. Nguồn cung nhà ở thương mại và xã hội cũng cần được tăng cường, với mục tiêu cân đối cung cầu và các phân khúc của thị trường bất động sản.
Riêng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cần khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý đối với 7/12 doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại.
Trước mắt, cơ quan này hoàn thiện ngay phương án xử lý 3 dự án của Tập đoàn Hóa chất theo kết luận của Ban cán sự đảng Chính phủ tại cuộc họp ngày 20.9 để báo cáo Bộ Chính trị, cũng như khẩn trương đề xuất Thủ tướng trước ngày 25.10 phương án xử lý dứt điểm với Dự án khai thác tuyến quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Theo LAN ANH (Zing.vn)