Nỗ lực triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn khai thác IUU
(BĐ) - Chiều 12.10, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh dẫn đầu đi kiểm tra tình hình triển khai các giải pháp cấp bách về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Cảng cá Quy Nhơn v à Chi cục Thủy sản.
Đoàn công tác tập trung kiểm tra việc triển khai các giải pháp cấp bách trong ngăn chặn khai thác IUU theo 4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), gồm: Khung pháp lý; quản lý, theo dõi, giám sát tàu cá; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Báo cáo với Đoàn công tác, lãnh đạo Sở NN&PTNT khẳng định các cơ quan liên quan đang nỗ lực triển khai các giải pháp ngăn chặn khai thác IUU theo 4 nhóm khuyến nghị của EC. Toàn tỉnh có 5.815 tàu cá với 41.118 lao động hoạt động trên biển, đến nay ngành chức năng đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 4.852 tàu cá, chiếm 83,42%; công tác đánh dấu tàu cá thực hiện đúng quy định, triển khai cập nhật thông tin dữ liệu tàu cá trên VN-Fishbase đầy đủ. 100% tàu cá có chiều dài 15 m trở lên hoạt động ở vùng khơi được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đã thành lập 3 tổ IUU tại các cảng cá để kiểm tra tình hình tàu ra, vào bến và xử lý vi phạm; thực hiện xác thực nguồn gốc sản phẩm…
Bên cạnh những kết quả đó, theo Sở NN&PTNT, tình hình tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài của ngư dân Bình Định vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng phát hiện 49 lượt tàu (39 tàu) bị cảnh báo vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt; 30 lượt tàu (28 tàu) bị mất kết nối trên biển trên 10 ngày; 15 trường hợp tàu cá vi phạm hoạt động khai thác sai vùng tuyến…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhìn nhận, Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn khai thác IUU, tuy nhiên đến nay tình trạng tàu cá Bình Định vi phạm IUU vẫn diễn ra. Bên cạnh nỗ lực, còn nhiều tồn tại trong quản lý tàu cá, đó là: Việc cấp giấy phép khai thác, thiết bị giám sát hành trình chưa đảm bảo; số vụ vi phạm đánh bắt trên vùng biển tuy giảm nhưng vẫn còn; hồ sơ ghi chép chưa đầy đủ. Những tồn tại này là những khuyến nghị mà EC đưa ra. Vì vậy, thời gian này phải tập trung, quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn vi phạm IUU.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo: “Thứ nhất, về khung pháp lý, trước mắt ngành Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên qua rà soát lại toàn bộ các văn bản, các chỉ đạo liên quan tới vấn đề này để triển khai thực hiện và làm việc với EC. Thứ hai, liên quan đến quản lý tàu cá, ngành chức năng rà soát lại toàn bộ các thủ tục (hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá…). Thứ ba, theo dõi, tuần tra, xử lý các tàu có cảnh báo vượt ngoài vùng tự do. Thứ tư, phải dọn dẹp vệ sinh khu vực cảng cá. Trong ngày 13.10, ngành Nông nghiệp triển khai các đoàn đi các huyện ven biển kiểm tra tình hình, chuẩn bị để đón đoàn EC vào làm việc”.
THU DỊU