Tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển KT-XH
(BĐ) - Đó là yêu cầu quan trọng do đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đặt ra tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10, diễn ra chiều 14.10.
Chủ trì Hội nghị còn có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị Tỉnh ủy lần 10. Ảnh: H.N
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, quá trình chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển KT-XH cần gắn với quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16.9.2022 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy hoạch…, đặc biệt là khẩn trương hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tiến độ, chất lượng, khoa học và khả thi. “Đây là quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng; phải làm ngày làm đêm, nghiên cứu, dự báo thấu đáo”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tuyệt đối không lơ là, chủ quan đối với nguy cơ dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch; thực hiện tốt công tác tiêm chủng vắc xin; đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và các điều kiện khác để phòng, ứng phó hiệu quả với dịch; duy trì thành quả phòng, chống dịch hiệu quả, bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đặt ra yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: H.N
Mặt khác, tổ chức đối thoại, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp, hỗ trợ, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã đăng ký, đặc biệt là dự án Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định; rà soát, thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định. Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.
Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm. Triển khai quyết liệt công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tổ chức thi công các dự án, công trình trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn tỉnh.
Triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão. Lên phương án di dời dân vùng thiên tai khả thi, sát thực tiễn.
Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách 2022. Tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy mạnh tăng thu, tăng cường chống thất thu; triệt để tiết kiệm chi ngân sách; chống lãng phí, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết.
Chỉ đạo tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cải thiện điều kiện làm việc; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng… đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, nhất là trên lĩnh vực thu hút, triển khai các dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh.
Tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm; chỉ đạo tập trung mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiềm chế, giảm thiểu TNGT và phòng, chống cháy, nổ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Tập trung theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, dư luận và tâm trạng xã hội của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chú trọng công tác phát triển đảng viên.
Tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong thực hiện công tác dân vận. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính quyền và việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn trình bày dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022. Ảnh: H.N
Theo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp cùng với những biến động bất lợi của giá cả, thị trường, biến đổi khí hậu… gây ra nhiều khó khăn, thách thức; song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Trung ương, của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, của cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh và có nhiều khởi sắc.
Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ước tăng 8,92%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,04%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,88%, dịch vụ tăng 13,43%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,94%; thu ngân sách đạt hơn 12.095 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.
Các hoạt động của đời sống xã hội cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Chi phí nguyên, nhiên vật liệu và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có xu hướng tăng cao làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Công tác thu hút đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Tình trạng phá rừng và tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài vẫn còn xảy ra. Tình trạng lấn chiếm đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp. Trang thiết bị, vật tư y tế chậm được mua sắm, gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn điều hành phần thảo luận. Ảnh: H.N
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tập trung phân tích những kết quả đạt được, làm rõ nguyên nhân của các hạn chế; đồng thời đề ra các giải pháp khả thi để đảm bảo hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2022.
Một số vấn đề nổi bật được nêu ra là: Báo động nguy cơ sạt lở dọc QL 1D (TP Quy Nhơn); sớm bố trí vốn xây dựng đường tránh qua xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn); thời tiết bất thường, nắng ít mưa nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; lãi suất ngân hàng tăng, ảnh hưởng đến sản xuất của các DN; cần có biện pháp kiên quyết hơn nữa trong xử lý tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài; cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp…
Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng bày tỏ lo lắng trước nguy cơ sạt lở ở khu vực phía Tây QL 1D. Ảnh: H.N
Bí thư Huyện ủy Hoài Ân Đỗ Thị Diệu Hạnh đề nghị tỉnh có cơ chế tháo gỡ khó khăn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phát triển nông nghiệp. Ảnh: H.N
Giám đốc Sở Tài chính Lê Hoàng Nghi phân tích tình hình thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2022. Ảnh: H.N
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng thông tin về tình hình đấu thầu, mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế. Ảnh: H.N
HOÀI NHÂN