CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI:
Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất
Từ nhiều thành công trong triển khai chương trình KHCN trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tới đây Sở NN&PTNT sẽ tập trung đầu tư nghiên cứu các ứng dụng, đề tài đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giải quyết các vấn đề cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp, giúp tăng trưởng kinh tế bền vững cho khu vực nông thôn.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, chương trình KHCN trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần tích cực vào việc đổi mới cơ chế, chính sách, thúc đẩy nhiều công trình nghiên cứu khoa học gắn liền với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng được các vấn đề cấp bách của tỉnh. Các hoạt động nghiên cứu KHCN đưa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi; đặc biệt một số dự án đã hình thành được các sản phẩm trọng điểm của tỉnh như dược phẩm, nông sản chất lượng cao.
Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt, các nghiên cứu KHCN đã chuyển giao kỹ thuật trong nâng cao chất lượng cây trồng, khảo nghiệm và tuyển chọn nhiều giống mới năng suất cao bổ sung vào danh mục cơ cấu giống của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ sử dụng giống tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh đạt từ 95% trở lên. Với lĩnh vực chăn nuôi, KHCN cho phép lai tạo thành công và cải thiện chất lượng con giống, đặc biệt với nhóm vật nuôi chủ lực heo, bò, gà. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hoạt động KHCN được ứng dụng vào nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp như công nghệ sinh học nuôi cấy mô. Trên lĩnh vực thủy sản, KHCN được chuyển giao trong hoạt động khai thác, bảo quản thủy sản, nuôi trồng thủy sản…
Chương trình KHCN trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đã chuyển giao thành công các mô hình chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn áp dụng hệ thống tưới tiên tiến và tiết kiệm. Ảnh: THU DỊU
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ở lĩnh vực nào của ngành NN&PTNT cũng có dấu ấn của KHCN. Điển hình như các mô hình sản xuất nâng cao chất lượng cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ; các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm… giúp giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập từ 10 - 15% so với sản xuất truyền thống. Hay như trong chăn nuôi, hoạt động KHCN giúp lai tạo đàn bò thịt, từ đó thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ, tăng thu nhập cho các hộ dân, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình KHCN trong xây dựng NTM giai đoạn vừa qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Một số đơn vị, địa phương chưa hiểu đúng mức về vai trò then chốt của KHCN trong phát triển KT-XH và xây dựng NTM, từ đó dẫn đến thiếu các giải pháp chỉ đạo cụ thể đẩy mạnh phát triển KHCN tại địa phương. Cùng với đó, số DN quan tâm đến việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN, áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất kinh doanh chưa nhiều.
Từ thực tế đó, chương trình KHCN trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 cần có nhiều thay đổi để phù hợp với thực tế của địa phương. Theo đó, Sở NN&PTNT triển khai chương trình giai đoạn này tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, có thể tạo ra đột phá, gồm: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sạch, nông nghiệp hữu cơ, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu tuyển chọn và sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu triển khai tự động hóa trong sản xuất và bảo quản nông sản sau thu hoạch; triển khai truy xuất nguồn gốc, cấp, quản lý và giám sát mã số vùng trồng; xây dựng cơ chế hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng vùng trồng trọt tập trung áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, an toàn dịch bệnh; phát triển chăn nuôi tập trung bền vững; nghiên cứu giảm thiểu rác thải, thúc đẩy tái chế và tái sử dụng…
Ông Đào Văn Hùng, cho biết, cùng với các nhóm nhiệm vụ đó, Sở tham mưu UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho tỉnh phát triển mô hình KHCN phục vụ xây dựng NTM, tăng cường hỗ trợ các ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời hỗ trợ tỉnh tăng cường nhân rộng các đề tài, dự án KHCN trong xây dựng NTM đã được Bộ NN&PTNT triển khai hiệu quả trong giai đoạn 2016 - 2020 nhằm chọn lọc, học hỏi và áp dụng triển khai hiệu quả các mô hình này ở địa phương.
THU DỊU