Sân khấu tuồng - một năm sáng đèn trở lại
Sau gần 2 năm tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ tết Nguyên đán đến tháng 8 âm lịch năm nay, các đoàn tuồng trong tỉnh lưu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Sân khấu tuồng sáng đèn trở lại trong sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng.
Ngay khi mở cửa hoàn toàn các hoạt động sau dịch Covid-19 kể từ tháng 3.2022, các đoàn tuồng trong tỉnh đã nhận được nhiều “tờ” (hợp đồng), đủ biểu diễn xuyên suốt cho đến cuối tháng 8 âm lịch, thời điểm kết thúc mùa lưu diễn hằng năm.
Tín hiệu vui
Nhiều trưởng đoàn tuồng cho biết, số lượng điểm diễn có giảm một ít so với mọi năm, nhưng số suất diễn lại tăng 10 - 15%. Nhiều đoàn nhận “tờ” chỉ 3 - 4 suất cho một điểm diễn, nhưng sau đó lại tăng thành 5 - 6 suất diễn. Đây là tín hiệu rất vui cho sân khấu tuồng ngay thời điểm khởi động trở lại.
Đoàn tuồng Đào Tấn biểu diễn tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Ảnh: NGỌC NHUẬN
Kết thúc mùa lưu diễn năm nay, Đoàn tuồng Nhơn Hưng đã biểu diễn gần 100 suất tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Có những điểm diễn như tại đội 5, đội 6, thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), đoàn biểu diễn kéo dài gần một tháng. Tại một số điểm diễn ngoài tỉnh như ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), xã Phước Thể (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), đoàn cũng được đề nghị tăng thêm suất diễn trong quá trình lưu diễn tại đây.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Toàn, Trưởng Đoàn tuồng Nhơn Hưng, vui vẻ cho biết: Ấn tượng nhất, vui nhất là ngay trong lần đầu tiên diễn tại xã Phước Thể (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), bà con đã yêu cầu chúng tôi diễn liên tục 5 ngày, đêm. Anh em trong đoàn ai cũng phấn chấn tinh thần, ráng giữ sức khỏe tốt để diễn sao cho xứng với tấm lòng mộ tuồng Bình Định của bà con nơi đây. Tự mình nói kể ra cũng không hay nhưng đúng là nhờ diễn tốt nên chúng tôi được bà con phường Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) mời biểu diễn vào tháng 11 âm lịch tới.
Một số đoàn tuồng khác, như Đoàn tuồng Phước An, Đoàn tuồng Trần Quang Diệu… cũng nhận được nhiều hợp đồng đi diễn tại xã Nhơn Lý, các phường Nhơn Bình, Đống Đa (TP Quy Nhơn), các xã Phước Thuận, Phước Quang (huyện Tuy Phước), phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), phường Hoài Hương (TX Hoài Nhơn)…
Theo nghệ sĩ Phan Ngọc Bạn, Trưởng Đoàn tuồng Trần Quang Diệu, mùa lưu diễn năm nay đoàn có điểm diễn mới ở khu phố Long Quang, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), nhưng hầu hết là những điểm diễn quen thuộc trong tỉnh. “Điều khiến chúng tôi rất mừng là ở điểm diễn nào bà con cũng yêu cầu tăng thêm suất diễn. Chúng tôi sẽ nghỉ ngơi ít lâu, sau đó bắt tay luyện tập trở lại vì giờ đã có sẵn “tờ” để diễn trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới, như: Xã Cát Tân (huyện Phù Cát), xã Nhơn An (TX An Nhơn), xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn)”, nghệ sĩ Phan Ngọc Bạn vui vẻ kể.
Sân khấu tuồng sáng đèn trở lại được công chúng đón nhận nhiệt tình đã tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ “cháy” hết mình với vai diễn. Nghệ sĩ Phan Văn Ngữ, diễn viên Đoàn tuồng Phước An, thổ lộ: “Được biểu diễn trở lại với nhiều sô diễn, chúng tôi vui lắm! Đáng trân trọng hơn nữa là tại các điểm diễn, bà con đến xem tuồng, rồi trò chuyện, hỏi han anh em nghệ sĩ rất nồng nhiệt, khiến chúng tôi phấn chấn tinh thần, ráng diễn tròn vai để đáp lại sự mến mộ của khán giả”.
Góp sức giữ tuồng
Không chỉ người dân quan tâm nghệ thuật tuồng mà cả chính quyền nhiều địa phương cũng tự ý thức về trách nhiệm của mình với di sản văn hóa của dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), cho biết: “Các lễ hội dân gian ở địa phương tổ chức đều có biểu diễn tuồng, nếu như không tuồng, người dân cảm thấy thiếu đi một món ăn tinh thần. Sân khấu tuồng sáng đèn trở lại tại địa phương, bà con rất háo hức đi xem! Chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn trong điều kiện của mình để một mặt đáp ứng nhu cầu văn hóa của người dân, một mặt còn tham gia giữ gìn di sản tuồng”.
Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ tham gia Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022, Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) cũng có 30 đêm lưu diễn phục vụ người dân trong tỉnh.
NSƯT Đào Trung Nghĩa, Trưởng đoàn tuồng Đào Tấn, tâm tình: “Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều vở diễn phục vụ công chúng theo “tờ” đã ký. Thật sự xúc động khi lưu diễn trở lại, chúng tôi nhận được sự ủng hộ của công chúng. Như ở xã Nhơn Lý chúng tôi nhận tờ diễn 5 đêm, nhưng do trời mưa, đoàn chỉ diễn được 4 đêm, phải nghỉ hai đêm rồi diễn lại, song bà con lại đề nghị đoàn diễn thêm thành 7 đêm, song chúng tôi còn phải đi diễn ở Phù Cát, đành hẹn lại với bà con Nhơn Lý dịp khác sẽ đến diễn”.
Có thể nói, nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn trong thời hội nhập. Nhưng có một điều rất đáng mừng, sau một năm sân khấu tuồng sáng đèn trở lại vẫn được công chúng đón nhận.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT, chia sẻ: Chúng tôi luôn trân quý sự nỗ lực, lòng yêu nghề của các nghệ sĩ tuồng đã cống hiến, giữ nghề. Chính họ là những nhân tố quan trọng trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản tuồng Bình Định - vốn quý văn hóa của dân tộc. Với trách nhiệm của mình, thời gian qua chúng tôi cũng đã hỗ trợ các nghệ sĩ trong việc lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh ban hành những chính sách đặc thù để hỗ trợ các nghệ sĩ tuồng trong thực hành và truyền nghề, tiếp sức cho tuồng…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN