Làng 6, Vĩnh Thuận phát huy các mô hình tự quản
Từ năm 2015, làng 6, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) đã hình thành các mô hình tự quản trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Ông Đinh Bơ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận làng 6, thông tin: Tổ tự quản của làng gồm các thành viên là cán bộ Mặt trận và các tổ chức Hội Nông dân, LHPN, Thanh niên, CCB. Tổ vận động người có uy tín, thanh niên, phụ nữ, nông dân chăm chỉ lao động, phát triển các mô hình trồng bí đỏ, dưa hấu, bắp lai, ớt… tạo thu nhập thường xuyên cho các hộ dân trong làng.
Một góc làng 6, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: A.PHƯƠNG
Ông Đinh Phik, thành viên tổ tự quản phát triển kinh tế làng 6, kể: “Hồi trước, người dân ở làng chủ yếu trồng một vụ mì, vụ mía, thu nhập bấp bênh. Thông qua sự vận động của tổ tự quản, bà con thay đổi nhận thức, áp dụng KHKT vào trồng các loại cây ngắn ngày phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương. Nhờ vậy, nhiều hộ có thu nhập quanh năm, có thể mua sắm các vật dụng trong nhà đắt tiền hơn như ti vi, xe máy… Nhà cửa cũng khang trang hơn”.
Bên cạnh đó, phát huy tinh thần tập thể, Ban Công tác Mặt trận và Ban nhân dân làng 6 cũng đã huy động bà con ủng hộ các Quỹ Khuyến học, Vì người nghèo, Bảo trợ trẻ em; ủng hộ nhân dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; góp gạo, góp ngày công lao động hỗ trợ các hộ đặc biệt khó khăn trong làng thu hoạch mùa màng; góp ngày công làm nhà cho hộ khó khăn có con em trúng tuyển nghĩa vụ quân sự…
“Cùng với đó là xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Giữ gìn tuyến đường bê tông mà chính quyền các cấp xây dựng, người dân trong làng đã cùng trồng hoa, vệ sinh đường làng”, ông Đinh Bơ nói thêm.
Là làng được di dời tái định cư từ lòng hồ Định Bình, người dân làng 6, xã Vĩnh Thuận nỗ lực xây dựng nơi ở mới, chuyển đổi nhận thức từ ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước sang chủ động, tự vươn lên, phấn đấu giảm nghèo.
AN PHƯƠNG