Cộng đồng ngư dân ven đầm, biển tham gia đồng quản lý BVNLTS: Nhiều tín hiệu tích cực
Nhiều năm gần đây, việc khuyến khích, nâng cao nghĩa vụ, trách nhiệm của cộng đồng ngư dân trong vấn đề khai thác đi đôi với đồng quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở tỉnh Bình Ðịnh đạt nhiều kết quả tốt. Ðây là cơ sở để tiến tới hoàn chỉnh mô hình, phát triển và nhân rộng trên địa bàn.
Tham gia hoàn chỉnh chính sách, xây dựng luật
Từ năm 2007, ngành thủy sản Bình Định đã triển khai thực hiện phương thức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ (BVNLTS) với kinh phí hỗ trợ từ nhiều nguồn, chương trình, dự án trong nước và quốc tế. Đến nay, tổng cộng đã có 11 mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản triển khai tại 20 xã/phường ven biển, ven đầm; thông qua đó, cộng đồng ngư dân tích cực tham gia cùng với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong số đó, có 3 mô hình lớn, đạt nhiều kết quả tích cực: Đồng quản lý BVNLTS đầm Trà Ổ; Đồng quản lý BVNLTS khu vực phía bắc đầm Thị Nại; Cộng đồng quản lý, BVNLTS khu vực biển vịnh Quy Nhơn.
Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải thu gom rác dưới đáy biển và bắt sao biển gai để bảo vệ san hô. Ảnh: XUÂN SÁNG
Dựa vào cộng đồng để BVNLTS là cách làm phù hợp, linh hoạt, tuy nhiên từ thực tế hoạt động, các nhóm đồng quản lý cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hoạt động, tổ chức hoạt động tuần tra, giám sát, thẩm quyền xử lý vi phạm; các thành viên là ngư dân tham gia nhóm đồng quản lý hầu như không được hưởng lợi từ các mô hình; chưa có nguồn tài chính rõ ràng để các mô hình đồng quản lý duy trì hoạt động...
Luật Thủy sản 2017 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.2019 đã giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện các mô hình đồng quản lý BVNLTS trước đây. Theo đó, vấn đề đồng quản lý trong BVNLTS đã được quy định cụ thể tại Điều 10 của Luật và đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 5, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8.3.2019 của Chính phủ. Theo đó, đồng quản lý là phương thức quản lý, trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong BVNLTS. Có thể nói, chính trong quá trình tháo gỡ những mắc míu, khai thông các khó khăn, ngành thủy sản nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung đã góp phần tích cực trong điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, góp phần không nhỏ vào công tác xây dựng luật.
Mở rộng phạm vi áp dụng
Từ khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực đến nay, đã có 4 mô hình đồng quản lý trên toàn tỉnh được thành lập. Đó là: Tổ chức cộng đồng (TCCĐ) BVNLTS phường Ghềnh Ráng và các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu. 4 TCCĐ/220 thành viên này đã được UBND TP Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển có diện tích 46,134 ha để thực hiện đồng quản lý trong BVNLTS. Hoạt động của các TCCĐ đã góp phần bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực biển vịnh Quy Nhơn.
Để tiếp tục quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vùng nước nội địa trên địa bàn tỉnh dựa vào cộng đồng, mới đây, Chi cục Thủy sản Bình Định đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cho cán bộ và ngư dân các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng và Phước Thuận (huyện Tuy Phước) về nội dung đồng quản lý trong BVNLTS. Đây là bước chuẩn bị để hướng tới hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ xin thành lập TCCĐ trong BVNLT trên đầm Thị Nại.
Anh Phan Tấn Vân, một học viên của lớp học, từng tham gia tổ quản lý nguồn lợi thủy sản xã Phước Sơn (tổ này được thành lập trước khi có Luật Thủy sản 2017), cho biết: Nguồn lợi thủy sản trên đầm Thị Nại ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác thủy sản ngày càng suy giảm vì sự bùng phát của xung điện xiết máy. Để BVNLTS vùng đầm này, tôi nghĩ phải làm sao để mỗi người dân thấy được trách nhiệm của mình, hành động tích cực của mỗi người sẽ giúp sinh kế của cộng đồng dân cư quanh đầm phát triển và bền vững. Việc tiếp tục thực hiện đồng quản lý để BVNLTS theo quy định mới của pháp luật rất quan trọng!
Có quan điểm tương tự, ông Lê Thanh Tâm, Chi hội trưởng nuôi tôm Đông Điền, xã Phước Thắng, chia sẻ: Từ thực tế mình biết, tôi nghĩ Nhà nước cần thực hiện đồng bộ trước tiên tại 4 xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận của huyện Tuy Phước và các xã, phường ven đầm ở TP Quy Nhơn, vì đầm Thị Nại nằm cả địa bàn Tuy Phước và Quy Nhơn. Để BVNLTS, tôi nghĩ phải đồng bộ như thế để tránh trường hợp “đánh chỗ này nhảy sang chỗ kia”!
Sau lớp tập huấn, 44 học viên tham dự gồm ngư dân, cán bộ khuyến ngư địa phương, trưởng, phó các thôn, công an thôn, thành viên các tổ đồng quản lý trước đây đều thống nhất, tự nguyện ký đơn tham gia làm thành viên Tổ chức cộng đồng BVNLTS đầm Thị Nại. Theo kế hoạch, Chi cục Thủy sản Bình Định sẽ phối hợp với UBND huyện Tuy Phước hỗ trợ 4 xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Thắng hoàn thiện hồ sơ thành lập tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động chính thức khoảng giữa năm 2023.
ÁI TRINH