Xử trí hen phế quản khi thời tiết thay đổi
Hen phế quản là bệnh hô hấp mạn tính hay gặp nhất ở trẻ em. Một điều dễ nhận thấy là mỗi khi thời tiết thay đổi từ nắng ấm sang lạnh, gió mùa đông bắc, áp thấp nhiệt đới, ẩm ướt, trẻ cảm lạnh do mặc không đủ ấm, tắm khi có gió lùa... thì ở các trẻ có tiền sử hen phế quản rất dễ tái phát.
Những yếu tố làm khởi phát cơn hen là viêm đường hô hấp do vi sinh vật, một số thức ăn, lông của một số động vật nuôi trong nhà làm cho trẻ có tiền sử bị hen phế quản tái phát. Một số côn trùng, đặc biệt là mạt gà, một số dược phẩm hoặc đôi khi gắng sức (khóc, chạy nhảy nhiều, đùa nghịch quá mức...) cũng là một trong các nguy cơ cao làm cho trẻ có tiền sử bị hen phế quản tái phát.
Ô nhiễm môi trường sống, khói, bụi bẩn cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm. Khói thuốc lá, khói bếp do đun rơm rạ, củi, rác, nhất là khói và khí của bếp than đá (than tổ ong); bụi nhiều nhất là các vùng đô thị mà điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh hoàn cảnh, vệ sinh công nghiệp chưa tốt là những yếu tố nguy cơ cao làm cho trẻ xuất hiện cơn hen phế quản.
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh hen phế quản ở trẻ em. Nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì con của họ sinh ra có nguy cơ mắc hen là 30 - 50%. Nếu cả hai vợ chồng có bệnh hen thì tỷ lệ này ở con là 50 - 70%. Nếu bố mẹ không có ai bị hen, khả năng này ở con là 10 - 15%.
Để phòng bệnh, cần mặc ấm cho trẻ vào mùa lạnh, nhất là khi đi ra khỏi nhà. Chỉ nên tắm cho trẻ khi không có cơn hen. Cần cho ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin C, magnesium và những acid béo omega-3. Bên cạnh đó, cần vệ sinh sắp xếp đồ đạc trong nhà sạch sẽ, gọn gàng, thông gió tốt. Không nuôi chó, mèo trong nhà. Không cho trẻ hít phải khói thuốc lá. Không để hoa tươi, phấn hoa trong phòng ngủ của trẻ. Không cho trẻ dùng các đồ chơi làm từ bông, lông, sợi như: Gấu bông, chăn nhiều lông… Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm công nghiệp có các chất bảo quản, các thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua... Cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, tái khám đúng hẹn và không được tự ý ngưng thuốc ngay cả khi trẻ đã tốt hơn. Phải đưa ngay trẻ đi bệnh viện cấp cứu khi có các dấu hiệu bệnh nặng.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)