Hai điển hình làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ
Không chỉ tiên phong đưa những giống cây trồng mới về trồng trên vùng đất bạc màu, mấy năm gần đây, nhiều nông dân Tây Sơn còn đổi mới tư duy, học tập, bước đầu phát triển mô hình nông nghiệp sạch, bền vững, cho thu nhập cao.
Kỹ sư điện đam mê trồng trọt
Tốt nghiệp khoa Kỹ thuật Điện, Trường ĐH Quy Nhơn, anh Huỳnh Văn Hiển, ở thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, về phụ trách khâu văn phòng, dịch vụ điện và thu gom rác ở HTXNN Dịch vụ Tây Thuận. Thế nhưng, nhiều người biết đến anh với khu vườn canh tác theo hướng hữu cơ.
Vườn chanh đào canh tác theo hướng hữu cơ của anh Huỳnh Văn Hiển ngày càng được nhiều người biết đến. Ảnh: ĐINH NGỌC
Năm 2018, anh Hiển đưa vào trồng 200 cây chanh đào trên 2.000 m2 đất gò đồi bạc màu trước đây dùng trồng mì, mía của gia đình. Anh sử dụng gốc cam ghép mắt chanh đào nên vườn chanh vừa nhanh cho trái, vừa có khả năng chống chịu đổ ngã khi gặp mưa gió lớn. Cùng với đó, anh kết hợp nuôi thả 200 con gà dưới tán cây tạo thành mô hình khép kín. Để góp phần cải tạo đất, giảm chi phí sản xuất, hướng tới tạo ra những sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường, anh Hiển còn làm phân hữu cơ bằng cách tận dụng phân chuồng kết hợp tro trấu, rơm rạ, vỏ đậu với sự thúc đẩy của chế phẩm sinh học Trichoderma; tự pha chế dung dịch ớt, tỏi và rượu trắng để làm thuốc ngừa sâu bệnh.
Vườn chanh của anh Hiển cho thu hoạch 2 vụ/năm, tùy thời điểm, giá chanh dao động từ 30.000 đồng/kg - 60.000 đồng/kg. So với trồng mì, mía thì việc trồng chanh đào lợi nhuận cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, tận dụng đất trống giữa các hàng chanh, anh trồng đậu phụng, cải ngọt… cũng có thêm một nguồn thu đáng kể.
Huyện Tây Sơn đã hỗ trợ mô hình kinh tế của anh Hiển 10 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp KH&CN để anh tiếp tục phát triển. Mới đây, anh Hiển đã mở rộng vườn chanh đào thêm 3.000 m2, trồng thêm 300 cây chanh, xây dựng thành mô hình hoàn chỉnh để những người quan tâm đến cây chanh đào có thể đến tham quan, tham khảo kinh nghiệm.
Từ dịch vụ tiệc cưới rẽ sang vườn ổi
Vốn làm nhiều nghề trong đó có dịch vụ tiệc cưới, nhưng từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, dịch vụ tiệc cưới điêu đứng, để thoát khỏi tình thế khó khăn, anh Nguyễn Thanh Quang, ở thôn Thuận Nhứt, xã Bình Thuận vào tỉnh Bến Tre tìm tòi, học hỏi kỹ thuật làm vườn. Được một chủ vườn giàu kinh nghiệm hướng dẫn tận tình, anh Quang nhập về gần 1.000 gốc ổi Ruby Đài Loan về trồng trên khu đất khá xấu trước đây gia đình chỉ dùng trồng keo. Để tạo ra sản phẩm sạch, mới, tạo ấn tượng cho thương lái, người tiêu dùng, ngoài việc cải tạo đất bằng nguồn phân bò ủ hoai dễ kiếm ở địa phương, anh Quang đưa vào sử dụng loại phân bón hữu cơ bằng đạm cá, bổ sung chế phẩm EM và Trichoderma để ổi cho chất lượng quả ngon, sạch, đồng thời bảo vệ môi trường xung quanh.
Anh Nguyễn Thanh Quang và vườn ổi Ruby. Ảnh: ĐINH NGỌC
Chỉ sau 6 tháng trồng, vườn ổi bắt đầu cho lứa trái bói, đến đợt trái thứ 2 thì quả sai trĩu cành. Để bảo vệ trái ngay từ lúc còn non, anh Quang dùng bao nhựa, túi xốp bọc trái lại, khoảng 3 tháng sau thì thu hoạch. Trung bình mỗi cây, anh Quang chỉ giữ chừng 100 trái, vì vậy trái ổi rất đều, ruột đỏ đẹp mắt, có mùi thơm nhẹ và giòn, rất ít hạt, trọng lượng khoảng 3 - 4 trái/1 kg.
“Hiện mỗi ngày tôi thu hoạch chừng 3 tấn ổi, thương lái tới tận vườn mua sỉ. Ổi Ruby có giá 15.000 - 17.000 đồng/kg (gấp đôi so với ổi thường). Sau cây ổi Ruby, trên diện tích hơn 2 ha đất vườn của gia đình, tôi trồng thêm 900 cây mãng cầu Thái, 300 gốc bưởi Ruby và 300 cây mít, tất cả đều phát triển tốt”, anh Quang chia sẻ.
ĐINH NGỌC