Hơn 80 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ SIAL Paris 2022
Doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm - SIAL Paris 2022 nhằm đẩy mạnh việc tìm kiếm cơ hội giao thương trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 cũng như tận dụng các lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại.
Hơn 80 doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam đã tham dự SIAL 2022, trong đó tại khu Gian hàng Việt Nam có 36 doanh nghiệp trưng bày hoạt động trên các lĩnh vực bao gồm mật ong, tiêu, điều, rau quả, gạo và các sản phẩm từ gạo.
Là một trong những Hội chợ quốc tế lớn nhất và uy tín hàng đầu thế giới về lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, Hội chợ SIAL 2022 được tổ chức 2 năm/lần nhưng do đại dịch Covid-19 nên đây là lần đầu tiên sau 4 năm, Hội chợ mới mở cửa trở lại. Với tổng diện tích mặt bằng 250.000m2, Hội chợ SIAL 2022 thu hút khoảng 7 ngàn doanh nghiệp từ khoảng 109 quốc gia trên thế giới tham dự và trưng bày sản phẩm.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực phẩm lớn của Việt Nam, Hội chợ SIAL 2022 mở ra một cơ hội mới bởi nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn tại châu Âu đang tăng mạnh trở lại sau giai đoạn Covid-19. Đồng thời khác so với các kỳ tham dự trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam tham dự SIAL 2022 với một lợi thế rất lớn là Hiệp định EVFTA đã đi có hiệu lực từ hơn 2 năm qua và trong thời gian qua, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang liên tiếp có sự thâm nhập thành công vào địa bàn Pháp và châu Âu. Do đó, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham dự SIAL năm nay cũng là cao nhất từ trước đến nay.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, lần tham dự Hội chợ năm nay của đoàn doanh nghiệp Việt Nam có sự khác biệt lớn, không chỉ ở số lượng doanh nghiệp tham dự mà còn là sự thay đổi về chất.
Tại Hội chợ lần này, với việc nắm bắt được xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ của khách hàng châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam đã có kế hoạch quảng bá các sản phẩm hữu cơ của doanh nghiệp mình tại Pháp, có thể kể đến các sản phẩm tiêu, quế organic của Công ty TNHH Hồ Tiêu Việt, sản phẩm quế organic của Công ty Cổ phần Sản xuất XNK thủ công mỹ nghệ và nông sản tổng hợp, sản phẩm gạo sạch, chất lượng an toàn tuyệt đối của Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, hay sản phẩm nước giải khát đến từ Công ty Cổ phần đầu tư A&B Việt Nam.
“Những kỳ trước đây đa số các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ SIAL với các sản phẩm thô, có hàm lượng chế biến thấp. Tuy nhiên, trong lần tham dự này, các doanh nghiệp Việt Nam mang theo các sản phẩm có chất lượng rất cao, có hàm lượng chế biến sâu, đồng thời có rất nhiều chứng nhận về organic, về thực phẩm sạch, về thương mại công bằng và rất nhiều chứng nhận khác, để lấy đó làm tấm vé vào các thị trường khó tính, đặc biệt là EU, Nhật Bản hay Hoa Kỳ”, ông Vũ Bá Phú nói.
Ông Vũ Bá Phú cũng nhận định, Hội chợ SIAL có uy tín rất lớn, quy tụ rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới nên các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ cũng có cơ hội lớn dành được những hợp đồng, những đơn hàng cho cả 1 năm. Vì thế, Cục Xúc tiến Thương mại cũng phải lựa chọn rất kỹ các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực xuất khẩu, chất lượng sản phẩm cũng như cách làm thương hiệu tốt để dự Hội chợ.
Ông Jean-Marc Callois - Đặc phái viên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Thực phẩm Pháp.
Trực tiếp tìm hiểu các sản phẩm được các doanh nghiệp Việt Nam trưng bày tại Hội chợ, ông Jean-Marc Callois, Đặc phái viên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Thực phẩm Pháp, đánh giá, người tiêu dùng Pháp đang ngày càng có xu hướng ưa chuộng thực phẩm đến từ phương Đông và tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Pháp và châu Âu là rất lớn.
Tiềm năng gia tăng trao đổi thương mại giữa Pháp và Việt Nam là rất lớn, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam có hiệu lực. Việc được gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam với các sản phẩm rất được người tiêu dùng Pháp ưa chuộng tại các sự kiện như Hội chợ lần này là điều rất đáng mừng.
"Hiện có rất nhiều sản phẩm Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường châu Âu và Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội đa dạng hóa hơn nữa các trao đổi hai chiều trong lĩnh vực thực phẩm vì để có sức khỏe tốt thì cần phải tiêu thụ tất cả các loại thực phẩm. Người tiêu dùng Pháp ngày càng ưa chuộng thực phẩm phương Đông và tôi nghĩ, người tiêu dùng Việt Nam cũng có thể sẽ rất thích thú khám phá các sản phẩm của Pháp”, ông Jean-Marc Callois đánh giá.
Theo Quang Dũng - Mạnh Hà (VOV)