Nuôi thâm canh bò thịt Kobe đạt hiệu quả cao
Để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Năm 2022, Trung tâm tiếp tục thực hiện mô hình nuôi thâm canh bò chất lượng cao (sử dụng giống bò lai Kobe 6 - 12 tháng tuổi) kết hợp với trồng cỏ, quy mô 5 con bò và 2.500 m2 đất để trồng cỏ, tại 2 xã Bình Nghi và Bình Thành, huyện Tây Sơn. Các hộ tham gia thực hiện mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí vật tư về thuốc và giống cỏ Mulato. Các hộ dân tham gia mô hình phải đảm bảo các điều kiện về chuồng trại nuôi nhốt, có bò Kobe ở giai đoạn 6 - 12 tháng tuổi, trọng lượng bình quân khoảng 230 kg/con, được nuôi với mục đích hướng thịt.
Mô hình nuôi thâm canh bò Kobe tại 2 xã Bình Nghi và Bình Thành, huyện Tây Sơn đạt kết quả tốt. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Mới đây, Trung tâm tổ chức hội thảo nhằm đánh giá hiệu quả và khả năng nhân rộng mô hình. Kết quả sơ bộ cho thấy, sau 7 tháng nuôi, trọng lượng bò bình quân đạt 372,4 kg/con, năng suất cỏ đạt 4,7 tấn/2.500 m2; lợi nhuận ước đạt hơn 6 triệu đồng/con.
Theo nhận xét của các hộ dân tham gia mô hình, bò Kobe là vật nuôi mới nên ban đầu có nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, đây là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, ít bệnh so với nhiều giống bò lai đã từng nuôi, nên sau khi kết thúc mô hình, các hộ nuôi sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng quy mô trang trại của gia đình để phát triển loài vật nuôi mới này.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, cho biết: Bò Kobe có nguồn gốc từ Nhật Bản, thịt thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao. Tuy là đối tượng nuôi mới nhưng đây là loài vật nuôi hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian tới. Từ mô hình này sẽ góp phần thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi bò của người dân, chuyển từ chăn nuôi thả tự nhiên, tự phát sang chăn nuôi có đầu tư và ứng dụng các tiến bộ KHKT mang lại giá trị kinh tế cao. Với kết quả thực tiễn mang lại, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình trên các địa bàn trong tỉnh, qua đó góp phần vào việc thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ngày càng bền vững.
THÀNH NGUYÊN