ĐỀ CỬ NGHỀ CHẰM NÓN NGỰA PHÚ GIA LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA:
Cơ hội phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch
Cuối tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương để Sở VH&TT tổ chức xây dựng hồ sơ đề cử nghề chằm nón ngựa Phú Gia tại xã Cát Tường (huyện Phù Cát) đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là thông tin khiến nhiều nghệ nhân, người làm nón ở làng nghề, ngành văn hóa, chính quyền địa phương vui mừng.
Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã hơn 300 năm tuổi. Ông Nguyễn Kế Sinh, Chủ tịch UBND xã Cát Tường, cho biết: “Làng nghề hiện có 40 hộ/120 lao động đang làm nón, là một trong 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh quy hoạch, gắn với phục vụ phát triển du lịch”.
Để gìn giữ, phát huy nghề chằm nón ngựa, thời gian qua, UBND xã Cát Tường phối hợp với các cấp, ngành đã lập nhiều dự án vay vốn ưu đãi của Nhà nước để hỗ trợ bà con mở rộng quy mô sản xuất; tìm cách kết nối với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học để hỗ trợ bà con về ứng dụng kỹ thuật mới, kể cả cách thức bán hàng. Đồng thời, xây dựng nhà trưng bày sản phẩm nón ngựa, kéo lưới điện hạ thế hoàn chỉnh đến các thôn Phú Gia, Xuân Quang và Kiều Đông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con làm nghề chằm nón phát triển sản xuất. Hiện nay, UBND xã đã, đang đầu tư thi công mở rộng tuyến đường bê tông dẫn về làng nghề nón Phú Gia (đường rộng 5,5 m, dài hơn 700 m), với kinh phí gần 3 tỷ đồng; tổ chức cắm biển chỉ dẫn về làng nghề…
“Thời gian đến, nếu làng nghề chằm nón ngựa Phú Gia được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó quả thật là điều tuyệt vời. Bởi khi đó, làng nghề có thêm nhiều điều kiện để phát triển về du lịch văn hóa, nâng tầm quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động, người làm nghề chằm nón…”, ông Sinh cho hay.
Từ lâu, người dân Bình Định tự hào về hình ảnh chiếc nón ngựa nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chiếc nón đã trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, hình ảnh chiếc nón ngựa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống người Bình Định.
Nghệ nhân Đỗ Văn Lan (75 tuổi), được ví như “linh hồn” của làng nghề chằm nón ngựa Phú Gia. Dù tuổi đã cao nhưng ông Lan vẫn nhanh nhẹn, linh hoạt, đặc biệt là nét thêu chạm trên nón dưới đôi bàn tay tài hoa của ông rất tinh xảo. “12 tuổi, tôi được cha chỉ làm nón. Đến nay, tôi gắn bó với nghề chằm nón hơn 60 năm. Nói không ngoa, nghề chằm nón đã giúp gia đình tôi có cuộc sống ấm no, sung túc”, ông Lan tự hào khi nói về nghề nón của gia tộc.
Nghệ nhân Đỗ Văn Lan đã có hàng chục năm gắn bó với nghề chằm nón ngựa. Ảnh: TRỌNG LỢI
Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và được chọn xây dựng mô hình Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Sản phẩm nón ngựa của nghệ nhân Đỗ Văn Lan đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao (năm 2020). Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến thăm làng nghề ngày một nhiều hơn, các cơ sở bán hàng lưu niệm lớn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế… không ngừng đặt hàng, góp phần tạo nguồn thu nhập cho người dân làng nghề.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Theo thời gian ấn định, việc xây dựng hồ sơ đề cử nghề chằm nón ngựa Phú Gia là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ hoàn thành trước năm 2023. Sở VH&TT là cơ quan chủ trì thực hiện, cùng sự phối hợp của UBND huyện Phù Cát, Sở NN&PTNT… Các cơ quan sẽ nỗ lực thực hiện, bởi đây là cú huých để làng nghề chằm nón vươn xa, góp phần gìn giữ, nâng tầm giá trị văn hóa làng nghề, thúc đẩy KT-XH ở địa phương phát triển”.
TRỌNG LỢI