Pháp đối mặt với làn sóng đình công khắp cả nước trong ngày 18.10
Chính phủ Pháp và các nghiệp đoàn ngành vận tải nước này vẫn bế tắc trong các cuộc đàm phán về lương nhằm nối lại hoạt động tại các kho dầu.
Nước Pháp sẽ đối mặt với các cuộc đình công của người lao động trong ngành vận tải trên khắp cả nước vào ngày 18.10 trong bối cảnh chính phủ nước này và các nghiệp đoàn vẫn bế tắc trong các cuộc đàm phán về lương nhằm nối lại hoạt động tại các kho dầu.
Công nhân tham gia đình công tại nhà máy lọc dầu Gravenchon-Port-Jerome ở Normandy, Pháp, ngày 12.10.2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 17.10, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết thời gian đàm phán giữa chính phủ và các nghiệp đoàn đã kết thúc.
Chính phủ cho biết sẽ sử dụng quyền hạn khẩn cấp để yêu cầu công nhân tại kho chứa Feyzin ở Đông Nam nước Pháp trở lại làm việc từ 14h ngày 17.10 (theo giờ địa phương).
Trước đó, chính phủ cũng áp dụng biện pháp tương tự đối với công nhân tại kho chứa Mardyck ở miền Bắc nước này.
Ông Eric Sellini, Điều phối viên của nghiệp đoàn lớn nhất trong lĩnh vực công CGT cho biết các công nhân trong ngành năng lượng đã bỏ phiếu nhất trí tiếp tục bãi công tại một số nhà máy lọc dầu do TotalEnergies vận hành, đồng thời bác bỏ thỏa thuận tăng lương vốn đã nhất trí giữa ban lãnh đạo TotalEnergies và CGT.
Các nghiệp đoàn hàng đầu đã kêu gọi tiến hành cuộc đình công trên toàn nước Pháp vào ngày 18.10, đặt ra thách thức lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi ông tái đắc cử hồi tháng Năm vừa qua.
Sự kiện này diễn ra sau khi các công nhân tại một số nhà máy lọc dầu và kho chứa do Tập đoàn năng lượng TotalEnergies điều hành bỏ phiếu để kéo dài các cuộc đình công, bất chấp việc Chính phủ Pháp yêu cầu nhân viên trong ngành này trở lại làm việc.
Các cuộc đình công trong ngành năng lượng Pháp đã kéo dài gần 3 tuần qua, khiến nguồn cung nhiên liệu nước này thiếu hụt nghiêm trọng.
Thực tế này đã khiến nhiều trạm xăng không có xăng bán cho người dân và chỉ 30% số trạm xăng được cung ứng xăng dầu.
Chính phủ Pháp cho biết 3 trong số 7 nhà máy lọc dầu và 5 nhà kho chứa dầu lớn đã bị ảnh hưởng do làn sóng bãi công này, đồng thời cảnh báo phải mất ít nhất 2 tuần sau khi các cuộc đình công kết thúc để nguồn cung xăng dầu trở lại bình thường.
Hồi cuối tuần trước, các công nhân tại 2 nhà máy lọc dầu của Esso-ExxonMobil đã dỡ bỏ phong tỏa sau khi ban lãnh đạo của tập đoàn này đạt được thỏa thuận về tiền lương với nghiệp đoàn./.
(Theo Thanh Hương/TTXVN/Vietnam+)