Sau cơn bão số 6, miền Trung có nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ dồn dập
Theo cơ quan khí tượng quốc gia, sau cơn bão số 6 (bão Nesat), từ nay đến cuối năm 2022, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dồn dập vẫn có thể tiếp tục xảy ra tại khu vực miền Trung.
Sau đợt mưa lớn xảy ra trên diện rộng do ảnh hưởng của bão số 5 (có tên quốc tế là Sơn Ca) gây ra đợt ngập lụt lịch sử ở thành phố Đà Nẵng, khu vực miền Trung hiện đang tiếp tục đứng trước nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 6 (bão Nesat).
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong những ngày tới, diễn biến về bão số 6 trên Biển Đông dự báo sẽ còn phức tạp.
Đáng chú ý, sau cơn bão số 6, từ nay đến cuối năm 2022, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dồn dập, có thể tiếp tục xảy ra tại khu vực miền Trung.
Thông tin với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết từ nay đến tháng 1/2023, trạng thái La Nina (nước biển lạnh đi so với bình thường) tiếp tục duy trì với xác suất khoảng từ 80-90%, sau đó giảm dần với xác suất khoảng từ 50-60%.
Với diễn biến trên, từ nay đến tháng 4/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông sẽ có khoảng từ 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; trong đó có 2 hoặc 3 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung chính ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ.
Do vậy, từ nay đến cuối năm 2022, cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia khuyến nghị các địa phương và người dân tại khu vực miền Trung cần theo dõi sát các bản tin thời tiết, đề phòng xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn dồn dập.
Về diễn biến mưa, cơ quan khí tượng dự báo tổng lượng mưa tháng 11/2022 ở khu vực Bắc Trung Bộ cao hơn so với trung bình nhiều năm (cùng thời kỳ) từ 15-30%; khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 30-60%, có nơi trên 70%.
Đối với diễn biến hải văn, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết thời gian tới, các đợt không khí lạnh vào các tháng cuối năm 2022 có khả năng gây sóng cao 2-4m cho toàn bộ vùng biển từ Bắc vào Nam. Riêng vùng biển Cà Mau-Kiên Giang, sóng biển phổ biến 1-2m.
Đặc biệt, ven biển các tỉnh Trung Bộ cần lưu ý đề phòng nước dâng do bão trong khoảng từ tháng 10-12 với xác suất khoảng 70%. Khu vực ven biển Trung Bộ (các tỉnh từ Phú Yên trở vào phía Nam) và ven biển Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện nước dâng do gió mùa đông bắc hoạt động mạnh trong tháng 11-12.
Từ tháng 11.2022 đến tháng 1.2023, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 5 đợt triều cường. Trong đó, đợt 1 từ ngày 6-12.11; đợt 2 từ ngày 23-29.11, đợt 3 từ ngày 7-11.12; đợt 4 từ 21-29.12; đợt 5 từ 6-10.1.2023 và đợt 6 từ 21-26.1.2023.
Riêng 3 đợt triều cường vào những ngày cuối tháng 11, 12.2022 và tháng 1.2023, độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu sẽ ở mức cao trên 4,0m.
“Trường hợp triều cường trùng với thời kỳ gió mùa đông bắc có cường độ mạnh sẽ gây ngập lụt tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển và cửa sông khu vực ven biển Nam Bộ,” ông Hoàng Phúc Lâm lưu ý.
(Theo Hùng Võ/Vietnam+)