Sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XHnăm 2022, xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh QH
Nội dung này được cho ý kiến tại Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Năm 2022, vượt qua khó khăn thách thức, KT-XH Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ; GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%; 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch…
Bên cạnh kết quả đã đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá KT-XH 9 tháng năm 2022 vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Trong đó, tồn tại, bất cập nội tại của nền kinh tế chậm được cải thiện, như doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất thấp, phụ thuộc nhập khẩu đầu vào; chưa có nhiều tập đoàn mạnh, quy mô lớn đóng vai trò dẫn dắt, tổ chức các chuỗi cung ứng, hệ sinh thái sản xuất nội địa.
Bên cạnh đó, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như công tác lập, triển khai quy hoạch chậm; thiếu hụt lao động cục bộ, chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư có chiều hướng gia tăng; nguy cơ thiếu nhân lực tại cơ sở y tế công lập do tình trạng xin thôi việc; vướng mắc trong mua sắm công, thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được xử lý dứt điểm.
“Mục tiêu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư xã hội hỗ trợ nền kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu; Quy hoạch điện VIII chậm được phê duyệt. Cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xử lý các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém còn chậm, chưa rõ nguyên nhân và trách nhiệm”, thông báo nêu rõ.
Trên cơ sở đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế nêu trên; đồng thời báo cáo bổ sung thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản và mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng, an ninh tài chính; tác động của việc neo giữ tỷ giá đô la Mỹ đối với xuất, nhập khẩu, dự trữ ngoại hối; thực trạng, khả năng kiểm soát lạm phát…
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, năm 2023, dự báo có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó như: Tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, bất định; sản xuất kinh doanh, sức khỏe doanh nghiệp bị bào mòn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt dòng tiền, giá xăng dầu, vật tư đầu vào tăng cao…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý ý kiến thẩm tra về kiểm soát chặt chẽ lạm phát, lưu ý rủi ro lạm phát đến từ phía cầu do nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ và đến cả từ phía cung do đứt gãy nguồn cung, giá năng lượng tăng cao; có giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng và dầu; hoàn thành Quy hoạch Tổng thể quốc gia, hệ thống các quy hoạch, sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII…
Theo Luân Dũng (TPO)