Bừng sáng nông thôn mới - Kỳ cuối: Hướng tới nông thôn mới hiện đại, văn minh
Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2025 có thêm 2 huyện Tây Sơn, Phù Mỹ đạt chuẩn huyện nông thôn mới; huyện Tuy Phước đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao và 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Rà soát tiêu chí, tập trung nguồn lực
Theo Văn phòng điều phối Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh, về cơ bản Bộ tiêu chí quốc gia XDNTM giai đoạn 2021 - 2025 vẫn giữ nguyên bố cục và nội hàm của bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 (gồm 19 tiêu chí). Tuy nhiên, điểm mới của bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 là tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn trước.
Như giai đoạn 2016 - 2020, tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm chỉ có 8 chỉ tiêu, nhưng sang giai đoạn 2021 - 2025 tăng lên 10 chỉ tiêu. Trong đó, theo phân cấp, chỉ tiêu về đất cho cây xanh sử dụng công cộng tại khu dân cư do Bộ NN&PTNT quy định; chỉ tiêu về mai táng do UBND tỉnh quy định cụ thể phù hợp với thực tế của địa phương. Ngoài ra, các tiêu chí về nước sạch, vệ sinh môi trường cũng được điều chỉnh nâng cao, nghiêm ngặt hơn trước.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan (hàng trước, bìa phải) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (hàng trước, giữa) đi kiểm tra Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.
Nhận diện những điểm mới trong bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và đối chiếu với điều kiện của mình là cơ sở để các địa phương chủ động, linh hoạt xây dựng phương án thực hiện phù hợp. Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Sau khi được công nhận huyện NTM, Phù Cát đã dồn toàn lực xây dựng huyện NTM nâng cao. Hiện chúng tôi đã giao rà soát các tiêu chí, tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ các xã thực hiện. Huyện cũng đang tập trung giải quyết 2 tiêu chí mới: Tỷ lệ 100% người chết hỏa táng và tỷ lệ người dân khám sức khỏe điện tử.
Quán triệt chỉ đạo của UBND huyện Phù Cát, ngay khi về đích NTM, xã Cát Minh đã khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo hoàn thành xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có việc xử lý môi trường ở khu vực nông thôn. Hiện chính quyền địa phương đã thành lập 5 tổ tự quản về vệ sinh môi trường ở các thôn: Trung Chánh, Trung An, Xuân An, Gia Thạnh và Gia Lạc để tổ chức vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; tổ chức tập huấn cho các hộ dân về thu gom và phân loại rác tại nguồn, ưu tiên tái chế, tái sử dụng.
Ông Trịnh Minh Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cát Minh, cho biết: Xã đã giao các hội, đoàn thể tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. UBND xã phối hợp với Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn 400 hộ dân cách phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác hữu cơ bằng vi sinh; đầu tư lắp đặt 232 bể bê tông thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; đồng thời, xúc tiến ký hợp đồng với DN thực hiện thu gom rác thải.
Tương tự, huyện Tây Sơn cũng rà soát toàn bộ tiêu chí, đánh giá lại từng tiêu chí cụ thể, để tìm ra những tồn tại, từ đó có kế hoạch, giải pháp xử lý phù hợp. Ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, cho biết: Qua rà soát, xã Vĩnh An chưa đảm bảo tiêu chí sản xuất, nên huyện hỗ trợ xây dựng một số mô hình về cây trồng cạn, phát triển rừng gỗ lớn... Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình XDNTM; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.
Huyện Tây Sơn xây dựng làng rau VietGAP Thuận Nghĩa xanh, sạch gắn với điểm đến du lịch cộng đồng.
Cũng như vậy, sau khi kiểm tra, xác định xã Phước Nghĩa còn một số chỉ tiêu chưa đạt NTM nâng cao, Bí thư Huyện ủy Tuy Phước Nguyễn Văn Hùng đã triệu tập làm việc, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung dồn sức nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó có tiêu chí đã đạt nhưng còn thấp hoặc chưa bền vững; đồng thời, yêu cầu các phòng, ban chuyên môn của huyện chủ động hướng dẫn, giúp đỡ xã Phước Nghĩa thực hiện hoàn thành các tiêu chí để xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2022.
Trợ lực cho địa phương
Cùng với sự nỗ lực của các địa phương, UBND tỉnh đã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2021 - 2025. Theo Quyết định số 43/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, ngân sách tỉnh hỗ trợ 204.765 tấn xi măng bê tông giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ 180.905 tấn xi măng để sửa chữa, mở rộng các tuyến giao thông nông thôn bị hư hỏng. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh là 541,19 tỷ đồng, bình quân mỗi năm hỗ trợ 108,238 tỷ đồng.
Để các địa phương có điều kiện đầu tư XDNTM tốt hơn, ngày 8.8.2022, UBND tỉnh ban hành thêm Quyết định số 46/2022 quy định chính sách hỗ trợ xã XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí (tối đa không quá 75 triệu đồng/xã) hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm xã hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư mới theo Bộ tiêu chí xã NTM, NTM kiểu mẫu. Đối với các địa phương XDNTM nâng cao, tỉnh hỗ trợ 5 tỷ đồng/xã; sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, tiếp tục đăng ký xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu được ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã để hoàn thành các tiêu chí theo quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành lồng ghép các chương trình, dự án thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
“XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài; là quá trình thực hiện thường xuyên, liên tục hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sinh thái, NTM hiện đại, nông dân văn minh. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh XDNTM. Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai quy định về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và các tiêu chí XDNTM. Sở Tài chính phối hợp với Sở KH&ĐT và các đơn vị liên quan tổng hợp, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm, hằng năm cho các địa phương”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025
TIẾN SỸ - THU DỊU - NGỌC NHUẬN