Cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao
Nguyên nhân là do một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn đến nay vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để tiến hành các bước tiếp theo của cổ phần hóa.
Sáng 19.10, tại Trụ sở Chính phủ, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, từ đầu năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Theo báo cáo giai đoạn 2016 - 2020, đã cổ phần hóa 180 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là gần 490 nghìn tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là hơn 233 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã cổ phần hóa 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019, đạt 30% kế hoạch; số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch là 89 doanh nghiệp.
Trong năm ngoái, đã cổ phần hóa 4 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng, gồm: 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; và Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Còn tính từ đầu năm đến nay, có 1 doanh nghiệp CPH là Công ty TNHH MTV Phà An Giang với tổng giá trị DN là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 278 tỷ đồng… Riêng về cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập: Giai đoạn 2016-2020, đã có 63 bộ, ngành địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần với 220 đơn vị phải thực hiện cổ phần hóa. Đến nay, đã cổ phần hóa 43/220 đơn vị. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục rà soát để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục ĐVSNCL thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025…
Qua thảo luận, một số ý kiến tại hội nghị nhận định, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch đề ra, chỉ đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020. Mặc dù, các doanh nghiệp chưa hoàn thành được gia hạn thời gian và tiếp tục triển khai trong năm ngoái đến nay nhưng tiến độ cũng chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân là do một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn đến nay vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để tiến hành các bước tiếp theo của cổ phần hóa như các Tập đoàn: Than- Khoáng sản, Bưu chính Viễn thông, Hóa chất; các Tổng công ty: Mobifone, Lương thực Miền Bắc; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn… Các Bộ, ngành, địa phương cũng phản ánh còn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, xác định giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu, truyền thống, văn hóa, lịch sử, giá trị doanh nghiệp, phần vốn để cổ phần hóa, thoái vốn quy định tại các Nghị định số: 126 năm 2017, 91 năm 2015, 32 năm 2018/ và 167 năm 2017/... Đặc biệt, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC; đăng ký giao dịch, niêm yết; quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần; chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt tại một số Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp…
Tại hội nghị, Thường trực Ban Chỉ đạo kiến nghị, các Bộ, ngành tiếp tục triển khai có kết quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý bảo đảm chặt chẽ, khả thi, đồng thời thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu hoạt động của DNNN và phát triển kinh tế tư nhân. Trên cơ sở tiêu chí phân loại DNNN đã ban hành, sớm phê duyệt Kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện, bảo đảm khả thi, lợi ích của Nhà nước địa phương; đồng thời phải tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và phát triển DN giai đoạn 2021-2025, với phương châm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; gắn với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm từng cá nhân và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
Theo Nguyễn Văn Hiếu (VOV1)