Bài học đắt giá từ thói côn đồ
Sau một ngày xét xử công khai, Hội đồng xét xử đã tuyên tổng cộng 127 năm tù cho 23 bị cáo. Bị cáo bị kết án cao nhất là 10 năm tù, thấp nhất là 2 năm tù. Vụ án Lê Văn Linh (SN 1998, ở huyện Tuy Phước) cùng đồng bọn phạm tội giết người, Võ Anh Kiệt (SN 1999, TX An Nhơn) cùng đồng bọn phạm tội cố ý gây thương tích đã để lại bài học đắt giá về thói côn đồ, a dua và bạo lực của một bộ phận người trẻ.
Phiên tòa diễn ra ngày 14.10 sau 3 lần hoãn. Trong số 23 bị cáo đứng trước Hội đồng xét xử hôm ấy, có đến 10 bị cáo tại thời điểm phạm tội vẫn còn ở tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo là hết sức nguy hiểm và liều lĩnh khi sử dụng súng, đao tự chế và tập trung lực lượng mang tính chất xã hội đen để đánh, chém nhau.
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: K.A
Linh và Kiệt vốn là bạn bè, Linh nợ Kiệt 10 triệu đồng. Khoảng 21 giờ ngày 17.6.2021, Kiệt đến phòng trọ của Linh (ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) đòi tiền nhưng không gặp Linh. Biết Kiệt tìm mình đòi tiền, Linh gọi điện nói chuyện với Kiệt và cả 2 nảy sinh mâu thuẫn, hẹn gặp ở ngã tư Gò Găng (QL 1, thuộc phường Nhơn Thành) để đánh nhau.
Để củng cố lực lượng, Kiệt rủ Nguyễn Tấn Vương (SN 2003), Văn Hồng Huyền (SN 1997) và Nguyễn Ngọc Hoàng (SN 1988, cùng ở TX An Nhơn) đi đánh nhau; tất cả đều đồng ý nên cầm theo 3 cây đao tự chế.
Về phần Linh, sau khi hẹn địa điểm đánh nhau với Kiệt, đã nhờ Huỳnh Ngọc Trường (SN 1996) huy động lực lượng giúp. Trường gọi điện cho Huỳnh Công Lý (SN 2001) nói lại sự việc và nhờ Lý huy động người. Lúc này Lý đang xem bóng đá cùng 5 người nữa nên mang chuyện này ra kể. Lý nói đồng bọn ra bụi tre sau nhà lấy bao “hàng” gồm 6 - 7 cây đao tự chế. Trước khi đi, Lý gặp Huỳnh Công Thuận (SN 1997, anh ruột Lý; tất cả cùng ở huyện Phù Cát) mượn súng săn; Thuận tham gia và mang súng theo. Để củng cố thêm lực lượng, Lý còn gọi thêm 5 người nữa.
Đến khoảng 0 giờ ngày 18.6.2021, tại điểm hẹn là ngã tư Gò Găng, cả 2 nhóm hô hào, rượt đuổi và dùng hung khí chém, dùng súng bắn nhau loạn xạ.
Tại tòa, Hội đồng xét xử tập trung phân tích sâu về cách giải quyết tình huống, nguyên nhân, hành vi phạm tội của từng bị cáo. Cụ thể, trong vụ án này, Linh, Kiệt là người khởi xướng, rủ rê đồng bọn tham gia đánh nhau. Linh và đồng bọn chỉ gây thương tích cho các nạn nhân từ 10 - 20%, nhưng vì tính chất và hành vi rất nguy hiểm, trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác nên bị truy tố tội danh giết người.
Trong quá trình đánh nhau, tuy Kiệt chưa gây thương tích cho ai và bản thân cũng bị Linh chém gây tổn thương cơ thể 10%, nhưng Kiệt và đồng bọn cũng bị truy tố tội cố ý gây thương tích bởi tính chất và hành vi của các bị cáo thể hiện sự coi thường pháp luật và tính mạng, sức khỏe người khác.
Đáng nói, có nhiều bị cáo tham gia đánh nhau nhưng bản thân lại không hề quen biết hay mâu thuẫn gì với đối phương. Chẳng hạn, khi nghe em trai hỏi mượn súng săn để đi đánh nhau, bị cáo Thuận dù không được rủ, cũng không rõ sự việc nhưng vẫn tham gia và mang súng theo để phòng thân. Cũng có bị cáo thừa nhận tham gia đơn giản vì “thấy mọi người đi thì đi, đưa đao cầm thì cầm thôi!”.
Dự khán và trực tiếp nghe các bị cáo tường thuật diễn biến sự việc mới thấy rõ thói côn đồ, bất chấp tính mạng của người khác, khi cả hai nhóm đều sử dụng những hung khí nguy hiểm, gây sát thương cao để đánh nhau. Trong số những người dự khán phiên tòa có vợ chồng ông Đ. là cha mẹ của anh em bị cáo Thuận, Lý.
“Vợ chồng tôi có biết đâu anh em nó không những không can ngăn nhau mà còn hùa nhau đi đánh lộn, lại còn mang súng bắn người. Thấy con đi tù đau lòng lắm chứ, nhưng biết sao được, khi mọi sự đã xảy ra, chỉ mong 2 đứa cải tạo tốt để sớm trở về”, ông Đ. trầm ngâm nói.
Ý thức rõ hành vi của mình, suốt phiên xử, Linh tỏ rõ sự thành khẩn, cúi đầu xin lỗi các nạn nhân. Linh nói: “Khi đó, do bị ép trả nợ nên bị cáo tức rồi mới rủ đi đánh nhau, chính bị cáo đã vung tay và chém Kiệt từ trên cao xuống cho hả cơn tức”. Đáp lại sự thành khẩn ấy, nhóm của Kiệt cũng xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho nhóm của Linh và cũng không đòi bồi thường gì thêm.
“Do mất bình tĩnh mà bị cáo đã hành động nông nổi, để rồi bản thân và bạn bè bị thương tích; mong mọi người cùng nhau rộng lượng để không lặp lại sai lầm nữa”, Kiệt nói.
Án tù là cái giá phải trả cho máu “anh hùng rơm”. “Một sự nhịn, chín sự lành”, đừng để những mâu thuẫn nhỏ, không đáng có chi phối hành động, khiến sự việc bị đẩy đi quá xa.
KIỀU ANH