Bảo đảm cho trẻ được tiếp cận chính sách giáo dục mầm non có chất lượng
(BĐ) - Sáng 20.10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; các sở, ban, ngành và địa phương liên quan (ảnh).
Báo cáo Bộ GD&ĐT tại hội nghị cho thấy, sau 2 năm thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP, các địa phương đã tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, mở rộng diện tích đất cho giáo dục, thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án và triển khai thực hiện Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Đến nay, 40 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết về mức hỗ trợ tối thiểu đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp có chăm sóc từ 30% trở lên trẻ là con công nhân, mức hỗ trợ tối thiểu 800 nghìn đồng/người/tháng…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến thảo luận chỉ rõ việc tham mưu ban hành văn bản quy định mức hỗ trợ cụ thể theo thẩm quyền (chính sách giáo dục mầm non khu công nghiệp và việc thu phí dịch vụ hỗ trợ không sử dụng ngân sách nhà nước...) ở một số địa phương vẫn chậm. Hiện còn 8 tỉnh, thành phố chưa ban hành Nghị quyết HĐND về việc thực hiện chính sách địa phương. Công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển KT-XH và nhu cầu đưa trẻ đến trường của người dân, nhất là đô thị đông dân cư, khu công nghiệp do phát triển “nóng” về công nghiệp và dịch vụ. Đầu tư cho giáo dục mầm non chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu phụ thuộc ngân sách hạn hẹp của nhà nước và mới tập trung khối công lập. Do điều kiện ngân sách nhà nước hạn chế, vẫn còn một số trẻ em và giáo viên chưa được hưởng chính sách như trẻ nhà trẻ, giáo viên dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt...
Các địa phương kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo (3 - 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2023 - 2030; Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, giai đoạn 2023 - 2030. Các địa phương kịp thời có chủ trương, chính sách, quy định về quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp phù hợp thực tế; quan tâm bố trí dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trong kế hoạch sử dụng đất địa phương, đặc biệt địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất…
Kết luận hội nghị, đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong triển khai thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP, Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, đề nghị Chính phủ có các chính sách phù hợp phát triển giáo dục mầm non, nhằm bảo đảm tất cả trẻ được tiếp cận chính sách giáo dục mầm non có chất lượng, hiệu quả, công bằng. Trước mắt bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách là trẻ em dưới 3 tuổi đang học trong cơ sở giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số; điều chỉnh, bổ sung chính sách với giáo viên dạy lớp ghép tăng cường tiếng Việt ở điểm chính tại các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Điều chỉnh tăng mức hỗ trợ chính sách hỗ trợ nấu ăn đối với cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn theo mức lương tối thiểu vùng. Đặc biệt một vấn đề hết sức quan trọng là xem xét kiến nghị bổ sung biên chế cho ngành giáo dục mầm non…
MAI HOÀNG