Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Không như kỳ vọng
Gói hỗ trợ 2% lãi suất với quy mô lên đến 40.000 tỷ đồng được ví như chiếc “phao cứu sinh” giúp cho DN vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19. Nhưng sau gần 5 tháng triển khai, đến nay mới chỉ có 2 ngân hàng thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay cho khách hàng với dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất chỉ 14,54 tỷ đồng.
Cuối tháng 5.2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Nghị định (NĐ) 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất vốn vay 2% từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đối với các khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh. Ngay sau đó, NHNN Việt Nam cũng ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện. Tuy nhiên đến nay, rất ít DN được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay từ gói tín dụng nói trên.
Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Bình Định. Ảnh: TIẾN SỸ
Ông Lâm Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hưng Nguyệt Anh, chuyên sản xuất viên nén gỗ tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, cho biết: Quy định phải có khoản vay bằng tiền đồng Việt Nam, có tài sản đảm bảo; phải chứng minh hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) có lãi… Những điều kiện nhiêu khê này gây nhiều khó khăn cho DN, nên dù rất muốn vay vốn từ gói tín dụng được hỗ trợ lãi suất, nhưng sau khi tính toán chúng tôi thấy không thể thực hiện được.
Theo bà Đồng Thị Ánh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty PISICO Bình Định - Công ty cổ phần, đa số DN đăng ký kinh doanh thường sẽ kinh doanh nhiều ngành nghề, nên việc bóc tách riêng biệt từng lĩnh vực để được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh vốn vay được sử dụng chính xác cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất theo điều kiện yêu cầu rất khó thực hiện, nếu không muốn nói là không thể.
Ở chiều ngược lại, chính các ngân hàng cũng kêu khó thực hiện gói hỗ trợ lãi suất. Ông Nguyễn Quang Đông, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Định cho rằng, NĐ 31/2022 của Chính phủ quy định nguyên tắc chỉ thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng có khả năng phục hồi, khả năng trả nợ là rất khó thực thi. Hiện tại, ngân hàng đánh giá khách hàng có khả năng phục hồi, nhưng sau đó do nguyên nhân khách quan, doanh thu sụt giảm, khách hàng không trả được nợ, khi đó khó truy trách nhiệm. Cũng có khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ nhưng chính họ lại từ chối, bởi họ e ngại các hoạt động kiểm toán, thanh kiểm tra sau này.
Dù tích cực triển khai thực hiện NĐ 31/2022 của Chính phủ, nhưng đến ngày 30.9.2022 Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định) cũng chỉ cho 3 khách hàng vay tổng cộng gần 14 tỷ đồng với số tiền lãi đã hỗ trợ rất ít ỏi - 8,5 triệu đồng. Nêu lý do vẫn còn ít khách hàng được hỗ trợ lãi suất, Giám đốc Agribank Bình Định Nguyễn Xuân Hùng cho biết, phần lớn khách hàng là DN, hộ kinh doanh hoạt động trên địa bàn nông thôn, việc thỏa mãn các điều kiện kỹ thuật đúng theo quy định là rất khó. Ngoài ra, một số khách hàng ngành nghề kinh doanh thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất, nhưng trước đây đã ứng vốn tự có để chi trả; nay có nhu cầu vay để bù đắp vốn tự có nhưng khoản vay này lại không được hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi. Chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, chúng tôi buộc phải hết sức thận trọng trong quá trình thực hiện.
Từ các nguyên nhân nói trên, nên đến nay, trong số 34 chi nhánh tổ chức tín dụng cấp I trên địa bàn tỉnh mới chỉ có Agribank Bình Định và Ngân hàng TMCP Á Châu - Chi nhánh Bình Định thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, với dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất là 14,54 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, cho hay: Để chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay theo tinh thần NĐ 31/2022 của Chính phủ phát huy hiệu quả, Chi nhánh sẽ đề xuất NHNN Việt Nam kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng và ngành nghề được thụ hưởng lãi suất vốn vay; hướng dẫn cụ thể các tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi và xác định nguồn vốn dư thừa của khách hàng, giúp các NHTM triển khai thuận lợi hơn.
PHẠM TIẾN SỸ