Hình tượng voi trong nghệ thuật điêu khắc Champa Bình Ðịnh
Hình tượng voi trong kiến trúc đền tháp Champa tại Bình Định được thể hiện rất phong phú, có tượng tròn, phù điêu, chất liệu đá sa thạch, chất liệu đất nung. Về biểu hiện lúc thì tả thực, sinh động, lúc lại được cách điệu, biến hóa dưới dạng một con vật huyền thoại đầu voi mình sư tử (Gajasimha), hay vị thần toàn năng đầu voi mình người (Ganesa).
Hai tượng voi đá thành Đồ Bàn hiện được đặt hai bên con đường chính đi vào khu vực Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) là một điển hình. Hai tượng voi được chạm khắc từ chất liệu đá sa thạch; tượng voi đực cao 2 m; dài 2,4 m; rộng 1 m; tượng voi cái cao 1,76m; dài 2,2 m; rộng 0,85 m. Hai tượng voi được tạo hình dưới dạng tượng tròn, trọng lượng ước khoảng vài tấn. Cả hai tượng voi đều được tạo tác trong tư thế đứng rất trang nghiêm, kiểu như tư thế phủ phục của một nghi thức tôn giáo nào đó. Hai tượng voi này là những tượng voi đá Champa lớn nhất còn lại đến nay, và cũng hiếm gặp trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc Champa. Xét về độ tinh tế, sắc sảo thì hai tượng voi ở thành Đồ Bàn được xem là những tượng voi đẹp, hoàn chỉnh nhất, là hai hiện vật độc bản trong phong cách điêu khắc Champa ở thế kỷ XIII và hiện đang được lập hồ sơ xem xét công nhận Bảo vật quốc gia.
Phù điêu voi đất nung phát hiện tại Bình Nghi, Tây Sơn.
Tượng Ganesa ở chùa Dương Lăng, xã Nhơn An, TX An Nhơn được người dân phát hiện từ rất lâu và đưa vào thờ cúng trong chùa. Tượng được chạm khắc ở tư thế ngồi, chân xếp bàn khá sinh động với các đặc điểm như: Bụng to, phệ; ngực nở; khuôn mặt bầu bĩnh; tai to, dài. Vòi to, dài, vắt chéo qua ngực trái. Mắt mở to, hai ngà ngắn. Đầu búi tóc hình chóp, đeo vương miện hoa văn hình tam giác nhọn liên tiếp, và hai chuỗi hạt tròn kết dải; cổ đeo vòng hạt chuỗi tròn kết dải; cổ tay và bắp tay đeo vòng tròn bán khuyên, quanh thân quấn tấm vải mỏng bó sát người, cùng một dải vải vắt chéo từ vai trái xuống hông bên phải. Tay phải nắm một cây chùy nhọn, tay trái đỡ phần đầu của vòi và một búp sen. Tượng thuộc phong cách tháp Mẫm, có niên đại khoảng thế kỷ XIII.
Tượng Ganesa ở chùa Linh Tượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn hiện đang được phối thờ ở hậu điện của chùa. Tượng cũng thể hiện dưới dạng đầu voi mình người và cũng trong tư thế ngồi xếp bàn, hai bàn chân bắt chéo như tượng Ganesa chùa Dương Lăng. Tuy cũng có niên đại khoảng thế kỷ XIII nhưng cách thể hiện vẫn có một số nét khác biệt như: Đầu to tròn, trán nở, mắt nhỏ dài, mi hai lớp, vòi to vươn về phía trước hơi uốn cong không bắt chéo như Ganesa ở chùa Dương Lăng. Ngực nở, bụng hơi phình to nhưng không quá bệ vệ như Ganesa chùa Dương Lăng.
Ở dạng phù điêu đá sa thạch, hình tượng voi được thể hiện rất nhiều trên đồ án trang trí các tầng tháp Dương Long. Tại một số vị trí đai trang trí trên tháp, phù điêu voi được tạc thành dải băng, hình tượng thể hiện chính là voi chiến.
Ở phiên bản đất nung phù điêu voi được thể hiện khá ngộ nghĩnh, phát hiện nhiều ở phế tích tháp Lai Nghi. Những phù điêu voi đất nung Lai Nghi thường được thể hiện ở mặt bên, cách thể hiện theo lối tả thực, sinh động và ngộ nghĩnh. Bên cạnh đó cũng phát hiện được một phù điêu voi bằng đất nung ở Bình Nghi được thể hiện trong tư thế rất oai vệ, uy nghiêm, vòi voi giơ lên cao, dưới cổ mang yếm xếp lớp kiểu voi chiến.
Có thể thấy rằng, trong điêu khắc kiến trúc đền tháp Champa tại Bình Định gần như xuất hiện đầy đủ các phiên bản, biến thể khác nhau của hình tượng voi, đây là điểm chưa có nơi nào sánh được, rất đáng để tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn.
NGUYỄN VIẾT TUẤN