Xây dựng nông thôn mới nâng cao: “Gỡ khó” thực hiện tiêu chí môi trường
Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới được đánh giá là khó thực hiện thành công. Thời gian qua, ngành TN&MT hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao thực hiện hoàn thành tiêu chí này, đảm bảo về đích đúng lộ trình.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), NTM nâng cao (NTMNC) giai đoạn 2021-2025, tiêu chí 17 về môi trường lần lượt tăng 4 và 7 chỉ tiêu so với giai đoạn trước.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), cho biết: Bộ tiêu chí hiện tại chia tiêu chí 17 làm hai nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường và cảnh quan, chất lượng, môi trường sống với một số chỉ tiêu yêu cầu cao và khó thực hiện hơn. Như tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom; tỷ lệ chất thải nhựa trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế theo quy định… Theo chức năng, nhiệm vụ, Sở TN&MT cũng đã tổ chức tập huấn phổ biến các quy định; triển khai nhiều đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện tiêu chí môi trường, góp phần đẩy nhanh tiến độ XDNTM, NTMNC.
Xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn chú trọng bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cảnh quan, môi trường sống. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) đăng ký về đích NTMNC trong năm nay. Thực hiện tiêu chí 17, xã quy hoạch quỹ đất hơn 52.900 m2 trồng hơn 3.000 cây xanh tạo cảnh quan; 100% hộ dân (1.317 hộ) trong xã đăng ký sử dụng dịch vụ thu gom rác thải, đảm bảo vệ sinh hằng tháng; thực hiện bỏ rác đúng nơi, theo giờ quy định từ 17 - 22 giờ hằng ngày; thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh bãi biển, điểm công cộng để giữ vệ sinh môi trường sạch đẹp…
Ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: Ở xã không có bãi chôn lấp chất thải, rác thải được Công ty CP Môi trường Bình Định thu gom hằng ngày. Xã cũng thành lập các tổ phụ nữ thu gom ve chai thu gom chất thải nhựa, hợp đồng Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh (TP Quy Nhơn) thu gom chất thải rắn nguy hại. Hiện xã cũng đang triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn, nhưng cũng không thể một sớm, một chiều làm thay đổi ngay thói quen lâu đời, nên chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh vận động người dân nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen để thực hiện nội dung này.
Xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) cũng đang dồn lực cho việc thực hiện tiêu chí 17, phấn đấu về đích NTMNC trong năm nay. Việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn ở địa phương bước đầu được người dân hưởng ứng thực hiện. Bà Đoàn Thị Ba, ở thôn Lộc Ngãi, xã Phước Quang, tâm tình: “Trước đây, người dân tự xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu bằng cách chôn, đốt. Nay bà con được xã hỗ trợ sọt rác, hướng dẫn phân loại rác hữu cơ, vô cơ và có tổ thu gom rác thải mỗi tuần 2 lần, nên môi trường sạch đẹp hơn”.
Xã Phước Quang cũng nhận định rõ những hạn chế lớn về lĩnh vực môi trường để tập trung khắc phục. Bà Lý Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Quang, cho biết: “Để khắc phục những khó khăn trong thực hiện tiêu chí 17, xã đặt ra nhiều giải pháp thực hiện, như xây dựng các điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt, tiếp tục mở rộng địa bàn thu gom rác thải sinh hoạt đến từng thôn, xóm; vận động các hộ dân chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi…”.
Thực hiện tiêu chí môi trường đã khó, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí này lại càng khó hơn. Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Trong quá trình tới các địa phương kiểm tra, hướng dẫn, chúng tôi luôn đề nghị các xã bám sát thực tế địa phương mình để thực hiện tiêu chí 17 theo quy định, nhưng không làm cứng nhắc, máy móc; đồng thời, đề nghị các huyện xây dựng bãi chôn lấp chất thải đạt quy chuẩn để xử lý rác thải thu gom từ các xã. Sở cũng tham mưu cho tỉnh về vấn đề môi trường, đặc biệt là việc xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt; trong đó, đề xuất nâng cấp các bãi rác, chuyển dần chôn lấp sang phương pháp tiên tiến hơn…
ĐOAN NGỌC