Tăng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ được triển khai từ năm 2023
Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8%. Vấn đề tăng lương cơ sở được nhiều chuyên gia lĩnh vực lao động, việc làm nhận định sẽ sớm triển khai, nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động.
Giải quyết thủ tục hành chính tại một xã thuộc huyện Yên Thành, Nghệ An.
Cùng với tăng lương cơ sở, Chính phủ cũng đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp BHXH áp dụng cho đối tượng do ngân sách Nhà nước chi trả; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở.
Dự kiến việc thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1.7.2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở thực hiện từ 1.1.2023.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong bối cảnh công việc của cán bộ, công chức nhiều và áp lực ngày càng lớn; đặc biệt, việc giảm biên chế thì mỗi cán bộ đang phải làm nhiều việc hơn; do vậy, để cán bộ, công chức làm việc tốt, hạn chế hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng thì một trong các giải pháp là tăng lương.
“Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu là tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức. Nhưng chúng tôi mong rằng không chỉ dừng lại tăng lương cơ sở, mà trong năm 2023 hoặc trong thời gian sớm nhất, Chính phủ nghiên cứu tăng lương theo Nghị quyết 27 về chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức để giúp cho cán bộ công chức cơ bản sống bằng lương. Tôi tin rằng việc đó sẽ được Chính phủ lưu tâm vì đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển. Thực tế, tùy từng vùng thì mức lương hiện nay mới đáp ứng nhu cầu căn bản của cán bộ công chức. Nếu để tích lũy và gia đình có điều kiện tốt hơn chăm lo cho con cái, cán bộ công chức vẫn phải bươn chải nhiều”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Còn ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, việc cải cách tiền lương đã được bàn thảo từ lâu và thực hiện phải có lộ trình. Việc sắp xếp lại bộ máy, tổ chức tinh gọn thời gian qua giúp công cuộc cải cách tiền lương thành công được một nửa. Khoản tiền tăng lương công chức, viên chức chính là từ nguồn tinh giản này.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động) cho rằng, mức đề xuất tăng lương cơ sở mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thực chất chưa đủ để xóa đi chênh lệch giữa lương khu vực công và tư. Tuy nhiên, việc tăng lương cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động. Thực tế, mức lương của công chức, viên chức chưa bằng được trung bình của thị trường. Do vậy, việc thực hiện cải cách tiền lương sớm thực hiện để đưa tiền lương về đúng giá trị thực, tạo động lực cho phát triển.
Theo XM/Báo Tin tức