Hoài Ân phát huy hiệu quả chương trình khuyến công
Những năm qua, được chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ, nhiều DN và cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Hoài Ân đã có thêm động lực phát triển.
Từ cơ sở sản xuất nem chả gia truyền hơn 30 năm của gia đình, bà Lê Thị Liễu, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Liễu (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đáng chú ý là công ty đầu tư máy đóng gói trị giá hơn 500 triệu đồng, kho lạnh hơn 2 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Liễu chia sẻ: Thật ra, nếu Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định (KC&XTTM) không hỗ trợ thì tôi cũng phải vay mượn tiền sắm máy để sản xuất. Nhưng nhờ Trung tâm hỗ trợ, tôi có thêm động lực đầu tư nhiều loại máy, khép kín quy trình và tăng năng suất. Đơn cử như thời điểm trang bị loạt máy móc làm nem, chả, Trung tâm hỗ trợ 200 triệu đồng, DN đối ứng 600 triệu đồng. Trước đây, tôi cần 20 công nhân để sản xuất ra 20 kg sản phẩm/ngày thì nay làm ra tới 100 kg sản phẩm/ngày mà chỉ cần 5 người.
Tại huyện Hoài Ân, mỗi năm có 1 - 2 đề án được nhận hỗ trợ từ chương trình khuyến công địa phương của tỉnh. Tuy số lượng không nhiều nhưng tạo động lực và chất xúc tác lớn cho các cơ sở nhỏ và vừa mở rộng quy mô sản xuất như Công ty TNHH Xây dựng Mười Tùng trang bị máy cán tôn; Công ty TNHH DULAH trang bị máy móc sản xuất trà hoa hòe…
Theo bà Đặng Thị Cẩm Lai, Giám đốc Công ty TNHH DULAH, đề án trang bị máy móc sản xuất trà nụ hoa hòe được Trung tâm KC&XTTM hỗ trợ 158 triệu đồng, công ty đối ứng 160 triệu đồng, đây là sự hỗ trợ rất quý báu và kịp thời. Công ty giảm vay mượn để đầu tư, qua đó sản phẩm có giá cạnh tranh hơn, có thêm điều kiện và động lực đa dạng sản phẩm, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, công ty mạnh dạn tập trung mở rộng trồng vùng nguyên liệu hơn 10 ha tại huyện Hoài Ân và TX Hoài Nhơn. Hiện nay, doanh thu tăng gấp 7 lần so với trước đây, ước tính doanh thu sẽ hơn 6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 180 triệu đồng.
Chương trình hỗ trợ vốn khuyến công của Trung tâm KC&XTTM Bình Định đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận các cơ hội phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ngoài đề án chuyển giao kỹ thuật công nghệ, Trung tâm còn hỗ trợ đề án đào tạo việc làm cho công nhân tại Công ty CP May Hoài Ân. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Hành chính Công ty CP May Hoài Ân, cho biết: Những ngày đầu mới thành lập công ty rất khó khăn; ngoài tuyển dụng được một số lao động lành nghề ở các tỉnh, thành phố lớn trở về làm việc tại huyện thì công ty đào tạo công nhân theo cách vừa học vừa làm. Công ty nhận sự hỗ trợ của Trung tâm KC&XTTM Bình Định hơn 100 triệu đồng để đào tạo việc làm cho 100 công nhân trong vòng 3 tháng. Hiện nay, công ty có 330 công nhân lành nghề.
Công nhân Công ty May CP Hoài Ân đã được đào tạo nghề 3 tháng từ sự hỗ trợ của chương trình khuyến công. Ảnh: HẢI YẾN
Theo ông Bành Quang Châu, Phó Trưởng Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Hoài Ân, bình quân mỗi năm kinh phí phân bổ cho chương trình khuyến công của huyện khoảng 200 triệu đồng (bao gồm kinh phí đi hội chợ, quản lý…). Sự hỗ trợ này chủ yếu mang tính khuyến khích, động viên DN, cơ sở trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chương trình khuyến công không hỗ trợ 100% mà chỉ hỗ trợ một phần, còn lại DN phải có vốn đối ứng. Hiện tại, ngoài khuyến công địa phương, mỗi năm còn có nguồn khuyến công quốc gia, chưa kể còn các chương trình hỗ trợ như OCOP, khởi nghiệp, HTX…, DN có thể lồng ghép để xin hỗ trợ. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế chắc chắn sẽ không đáp ứng đủ. Ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm KC&XTTM Bình Định cho biết: Chúng tôi quan tâm đến tính hiệu quả của đề án trước khi hỗ trợ. Trước đây, chương trình tập trung vào các nội dung tập huấn, đào tạo nhưng kết quả không tương xứng, khi chuyển sang đáp ứng nhu cầu hỗ trợ máy móc thiết bị, thay đổi công nghệ thì DN “hít” hơn và hiệu quả như thực tế đã chứng minh là tốt hơn.
HẢI YẾN