Loay hoay phát triển vật liệu xây không nung
Dù được khuyến khích phát triển, lợi ích mang lại rõ rệt, song 10 năm qua chương trình phát triển vật liệu không nung vẫn chưa như kỳ vọng. Sản phẩm gạch không nung vẫn loay hoay ra thị trường, nhiều cơ sở sản xuất hoạt động cầm chừng, thậm chí tìm đường chuyển đổi.
Việc chuyển đổi sản xuất vật liệu không nung bắt đầu từ năm 2010 với Quyết định số 567/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg; tiếp đó là Quyết định số 2171/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN tại Việt Nam đến 2030. Trên cơ sở này, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/2014/CT-UBND ngày 17.12.2014 về tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; và các quyết định về quy hoạch, khuyến khích phát triển VLXKN.
Chờ… cơ hội!
Đây là cách ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Gạch Tuynen Bình Định (huyện Tuy Phước) nói về sản phẩm gạch không nung. Tuynen Bình Định là DN đi tiên phong chuyển đổi gạch đất sét nung sang VLXKN với dự án đầu tư 110 tỷ đồng. Năm 2014, DN đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu; đến 2016 đầu tư dây chuyền gạch không nung bê tông nhẹ khí chưng áp (AAC). Riêng dây chuyền gạch AAC công suất thiết kế 50.000 m3/năm, nhưng chỉ sản xuất duy nhất 1 lần năm 2019 với 15.000 m3 rồi “đắp chiếu” đến giờ, bởi không hợp “khẩu vị” thị trường Việt Nam. Trong khi đó, dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu cũng chỉ hoạt động cầm chừng với 30% công suất thiết kế (10 triệu viên/năm).
“Hiện nhà máy duy trì chạy 1 ca/ngày để đảm bảo việc làm cho người lao động. “Nói giảm nói tránh” thì DN sản xuất sản phẩm gạch không nung loay hoay chờ cơ hội, chứ thực ra đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Đánh giá đến thời điểm này, dự án này đầu tư không khả thi, không hiệu quả”, ông Hùng thốt lên.
Tắc đầu ra là nguyên nhân khiến đã có DN sản xuất gạch không nung quay về sản xuất “gạch đỏ” hoặc chấp nhận sản xuất song song “gạch đỏ” và gạch không nung để lấy ngắn nuôi dài.
Dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu của Công ty CP Gạch Tuynen Bình Định chỉ hoạt động 30% công suất thiết kế. Ảnh: M.H
Theo Sở Xây dựng, tại tỉnh Bình Định có 31 dây chuyền sản xuất gạch không nung, tổng công suất thiết kế khoảng 443,2 triệu viên QTC/năm, phù hợp định hướng phát triển VLXKN theo các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng được duyệt; đồng thời cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng VLXKN cho công trình, đặc biệt những công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, hiện phần lớn đơn vị đang sản xuất cầm chừng, mới đạt khoảng 30% công suất thiết kế.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Sơn cho hay, tuy 100% công trình có nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công đều sử dụng VLXKN nhưng đối với các công trình vốn khác thì sử dụng chưa nhiều. Nguyên nhân là các sản phẩm VLXKN mà phổ biến là gạch xi măng cốt liệu chưa thay thế được gạch nung, một phần do thói quen sử dụng gạch nung đã có từ lâu đời, còn có các nguyên nhân về chất lượng gạch xi măng cốt liệu chưa đồng đều, kích thước sản phẩm lớn, khối lượng nặng, yêu cầu kỹ thuật của nhân công xây dựng khi sử dụng VLXKN cao hơn so với gạch nung... dẫn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm không được như kỳ vọng.
Tìm giải pháp cho vật liệu xây không nung
Theo nhiều nhà sản xuất, thiết kế và thi công xây dựng, sản phẩm gạch không nung không có tính cạnh tranh kinh tế so với gạch nung. Một khó khăn rất lớn nữa khiến VLXKN chưa phát triển được, đó là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật liên quan đến VLXKN vẫn chưa hoàn chỉnh. Các tiêu chuẩn sản phẩm, quy phạm xây dựng, kết cấu kiến trúc, đơn giá của VLXKN chưa được ban hành đồng bộ, gây lúng túng, bất tiện cho đơn vị thi công.
Mặt khác, chất lượng sản phẩm chưa được đảm bảo do ở một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các cơ quan quản lý khó kiểm soát. Nhiều nhà sản xuất thừa nhận có tình trạng cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, có trình độ công nghệ chỉ đạt mức trung bình cho ra sản phẩm chất lượng thấp, hoặc không đảm bảo điều kiện thực hiện dưỡng hộ sản phẩm đủ 28 ngày dẫn đến tình trạng gạch không nung chưa đủ ngày tuổi đã đưa vào công trình, gây hiện tượng nứt tường.
Tại hội thảo tìm giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng công tác thiết kế, thi công xây dựng công trình có sử dụng gạch không nung xi măng cốt liệu do Sở Xây dựng và Hội Xây dựng tỉnh phối hợp tổ chức tháng 10.2022, ông Bùi Tiến Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế Kiến trúc A&B kiến nghị không chỉ đơn vị sản xuất mà cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng gạch không nung.
Trong năm 2022, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định sử dụng 100% VLXKN trong các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Đối với công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên, đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng VLXKN cho công trình tối thiểu 80% so với tổng lượng vật liệu xây; đến năm 2030 tỷ lệ sử dụng tối thiểu 90% so với tổng lượng vật liệu xây.
“Để triển khai việc sử dụng VLXKN được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, Sở Xây dựng đề nghị các sở, ban, ngành, trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế xây dựng công trình, cần tuân thủ chặt chẽ về tỷ lệ sử dụng VLXKN. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công, giám sát phải tăng cường quản lý đối với chất lượng VLXKN trước khi đưa vào sử dụng trong công trình. Sở Xây dựng chỉ đạo các đội thanh tra thường xuyên nắm bắt địa bàn có công trình xây dựng, kịp thời phát hiện các trường hợp sai phạm về sử dụng VLXKN trong công trình, đề xuất xử phạt theo quy định”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Sơn nói.
MAI HOÀNG