Say mê nhạc cụ truyền thống
1. Đều đặn chiều thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần, các thành viên CLB Nhạc cụ dân tộc FIT (CLB FIT) sinh hoạt tại phòng nhạc cụ dân tộc của Trường ĐH FPT Quy Nhơn. Nơi ấy có tiếng sáo trúc, đàn tranh, đàn nguyệt, sênh tiền…
Bạn Đỗ Phi Hùng (sinh viên năm 2, khoa Quản trị kinh doanh) chia sẻ: “Tôi thích sáo từ khi còn học cấp II, nhưng chỉ chơi được những bài đơn giản. Sau khi tham gia CLB, tôi được học bài bản hơn, khắc phục được khuyết điểm của mình, có thêm nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện về nhạc lý, kỹ thuật biểu diễn cũng bài bản hơn”.
CLB FIT trước đây chỉ là một nhóm nhỏ sinh viên có chung niềm đam mê các nhạc cụ. Tuy nhiên, trong quá trình học môn Nhạc cụ dân tộc, nhiều bạn có năng khiếu chơi nhạc hào hứng tham gia. Sau một thời gian ngắn, CLB FIT đã có 27 thành viên.
Theo Chủ nhiệm CLB FIT Trần Vĩ Bảo Ngân (sinh viên năm 2, khoa Quản trị kinh doanh), nhiều bạn có năng khiếu chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Các bạn còn kết hợp nhạc cụ hiện đại và truyền thống, phối lại để có bản nhạc mới mẻ. Qua tập luyện, các bạn đều chơi được nhiều thể loại, từ các bài dân ca đến các bản nhạc hiện đại nước ngoài, thậm chí sử dụng phong cách remix. Mỗi sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh được CLB đăng tải lên mạng xã hội đều thu hút từ vài trăm đến cả nghìn lượt thích, chia sẻ.
“Hơn hết, khi tham gia CLB, các bạn không chỉ biết kỹ thuật chơi nhạc, mà còn được học cả lịch sử của từng loại nhạc cụ. Từ đó, tự bản thân các bạn có ý thức gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống để các loại nhạc cụ dân tộc không bị lãng quên, mai một”, Ngân chia sẻ.
Một tiết mục biểu diễn của CLB Nhạc cụ dân tộc FIT. Ảnh: C.H
2. CLB Cồng chiêng thanh niên của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) có 30 thành viên. Vào các ngày lễ lớn, CLB thường tham gia luyện tập, biểu diễn. Đồng thời, CLB còn mời các nghệ nhân đến dạy cho các em kỹ năng biểu diễn các nhạc cụ.
Mới đây, tại Ngày hội VH-TT thanh niên dân tộc thiểu số diễn ra tại huyện Vĩnh Thạnh do Hội LHTN Việt Nam tỉnh và huyện Vĩnh Thạnh phối hợp tổ chức, CLB Cồng chiêng thanh niên của Trường đạt giải ba, với các tiết mục múa, đánh cồng chiêng, hát ru.
Em Đinh Vĩnh Khoa (dân tộc Bana, học sinh lớp 11A2) cho biết: “Được thầy chủ nhiệm CLB và các nghệ nhân hướng dẫn, em và các bạn chơi được nhiều loại nhạc cụ. Việc tập luyện được tổ chức 1 tuần/lần; những lúc chuẩn bị tham gia hội thi, ngày hội, chúng em tập luyện tích cực hơn. Chúng em rất vui vì góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
3. Hiện nay, giới trẻ tiếp xúc nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, không còn nhiều bạn mặn mà với âm nhạc truyền thống. Nếu không có sự kế thừa, quá trình bảo tồn, phát huy giá trị của nhạc cụ dân tộc rất dễ rơi vào tình trạng “đứt gãy”.
Theo cô Tôn Nữ Phi Quỳnh, giảng viên bộ môn Nhạc cụ truyền thống (Trường ĐH FPT Quy Nhơn), Nhạc cụ dân tộc là một môn học bắt buộc, cũng là điểm khác biệt của Trường. Môn học này tạo nhiều hứng khởi cho sinh viên. Được trau dồi kiến thức, kỹ năng chơi các loại nhạc cụ, sinh viên thêm hiểu giá trị của các nhạc cụ, bồi đắp tình yêu nghệ thuật, góp phần phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
NSƯT Đinh Văn Nhân, Chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định, cho rằng, việc một số trường học đưa nhạc cụ truyền thống vào giảng dạy, thậm chí có hẳn một môn học là điều rất đáng quý. Từ đó, phần nào giúp các bạn trẻ hiểu biết về các nhạc cụ truyền thống, tham gia biểu diễn để giữ gìn văn hóa dân tộc.
“Để thêm nhiều người trẻ hiểu biết và tham gia tích cực, hiệu quả công tác bảo tồn di sản âm nhạc dân tộc, các địa phương cần xây dựng phong trào dạy và học nhạc cụ dân tộc sôi nổi hơn, phù hợp với từng dân tộc, cộng đồng. Cần tăng cường các hội thi với hình thức mới mẻ, cuốn hút”, nghệ sĩ Nhân nhấn mạnh.
CHƯƠNG HIẾU