Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng: Ngày vui là những ngày sức khỏe bệnh nhân tốt lên
Nghe tôi hỏi, vừa thoáng trầm ngâm, vừa hóm hỉnh, bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BVĐK tỉnh) - người có hơn 30 năm gắn bó, chuyên tâm phục vụ các bệnh nhân nhi mỉm cười, ấm áp đáp, ngày vui là những ngày sức khỏe bệnh nhân tốt lên. Câu chuyện giữa tôi và ông đã chuyển hướng về công việc và bệnh nhân của ông.
Dù vậy từ những câu chuyện ông kể, tôi đã hình dung được ông dưới một nguồn sáng khác với góc lâu nay tôi vẫn hình dung. Và thật sự tin như ông nói, đến một thâm niên nào đó vui buồn của người thầy thuốc phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Đây là tâm sự chân thành chứ không phải lời nói hoa mỹ.
Tỉ mẩn, chịu khó mới làm bác sĩ cấp cứu nhi
Tốt nghiêp Trường ĐH Y khoa Huế, khóa 1982 - 1988 và về nhận công tác tại Khoa Nhi (BVĐK tỉnh) từ năm 1989, với thâm niên 33 năm kinh nghiệm, bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng chia sẻ, làm bác sĩ nhi, đặc biệt là bác sĩ cấp cứu nhi đòi hỏi rất nhiều ở tốc độ xử lý cao, chịu khó và tỉ mỉ.
* Thưa ông, luôn phải chịu áp lực cao, tốc độ xử lý nhanh, chịu khó, tỉ mỉ, ắt hẳn là rất … cực, vậy tại sao ông chọn làm cấp cứu nhi và gắn bó với sự lựa chọn này?
- Thật ra ngày xưa tôi rất thích khoa ngoại nhưng bên nhi cũng có cái hay là mình thường xuyên phải giải quyết cấp thời để cứu sống bệnh nhân, nên niềm hạnh phúc nghề nghiệp giữ mình ở lại. Sau khi tốt nghiệp, tôi về làm ở Khoa Nhi (BVĐK tỉnh). Sau đó thì đi học thêm ở Hà Nội, Huế cũng ở lĩnh vực này, làm công việc cấp cứu nhi đến nay là hơn 30 năm. Làm ở bộ phận cấp cứu, mình thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nặng qua đó cũng rút kinh nghiệm được nhiều hơn. Một bệnh nhân nhi vô hồi sức cấp cứu chậm trễ 1 chút thì nguy cơ tử vong cao hơn nhiều lắm, nhưng nếu cố gắng xử lý nhanh hơn một chút là khả năng phục hồi cao hơn cũng nhiều. Mình nghĩ như thế nên lúc nào cũng gắng đến hết mức có thể.
Nếu có dịp quan sát thầy thuốc hồi sức nhi làm việc sẽ thấy tất cả như được lập trình, rất nhanh, rất khẩn trương, dứt khoát, không một động tác thừa nhưng rất chính xác, phát huy hiệu quả lập tức. Bệnh nhân nhập viện rất nặng nhưng sau khi thầy thuốc xử trí đến đâu là có chuyển biến đến đó.
Lúc nãy ở đầu câu chuyện tôi có nói, “bác sĩ cấp cứu nhi đòi hỏi rất nhiều ở tốc độ xử lý cao, chịu khó và tỉ mỉ” là vì thế. Bác sĩ làm cấp cứu phải tỉ mỉ, chịu khó, không phải xử trí cấp cứu bệnh nhân xong thấy ổn là xong. Trong vòng 15 - 30 phút sau lại phải đánh giá lại, nếu phát hiện dấu hiệu, chuyển biến gì bất thường là kịp thời chủ động điều trị tiếp bởi ở bệnh nhân nhi, tình trạng bệnh chuyển biến rất nhanh. Người làm cấp cứu phải theo sát, xem xét bệnh nhân liên tục, đó là phẩm chất; còn kỹ thuật chính xác, kỹ năng thành thạo.
* Cứu được người thì được nhắc nhớ đến nhiều, nhưng hình như người ta nhắc đến bác sĩ Dũng nhi nhiều hơn một chút…
- (Cười). Cái đó là tình lý bình thường ở đời mà, có cái đoạn “nhiều hơn một chút” có lẽ do người ta trân quý những sinh linh bé bỏng hơn đấy thôi. Và cũng có thể là do khi cứu chữa bệnh nhi mình phải khẩn trương, vất vả hơn chăng? Ví như khi đau ốm người lớn có thể khai bệnh, chứ đối tượng mà tôi hay xử lý, cứu chữa thì có biết kể bệnh đâu, nhiều bé thấy bác sĩ còn khóc to hơn nữa đấy…
Như đã nói, nhi phải đòi hỏi tốc độ nên khi có trường hợp nhi sốt xuất huyết cấp cứu phức tạp, dẫu là 1 - 2 giờ đêm, nghe báo tôi phải chạy vô viện ngay mới yên tâm. Đối với các ca nặng cần đặt máy thở, bác sĩ ít kinh nghiệm làm sẽ rất nguy hiểm. Mình vừa làm vừa dìu anh em đi cùng. Hơn nữa, nay có phác đồ mới của Bộ Y tế, rồi chúng tôi tổ chức tập huấn, phân tích từng ca một để anh em có hướng điều trị. May là 3 năm nay không có ca nào tử vong do sốt xuất huyết và các bác sĩ trẻ nay cũng đã làm tốt rồi.
Hơn nữa nhìn chung có một điều rất đáng mừng là tử vong nhi giờ giảm rất nhiều. Ngày trước mỗi năm Khoa Nhi tử vong khoảng 60 - 70 bệnh nhân, nay còn khoảng 20 ca, rơi vào những ca quá nặng như sốc nhiễm trùng nặng, suy tạng, viêm não cấp tổn thương thân não. Chỉ nghĩ đến điều này thôi, niềm ấm áp trong lòng tôi đã dâng tràn. Thật đấy!
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BVĐK tỉnh) thăm khám bệnh nhi. Ảnh: T. KHUY
Nguyện vọng của người thầy thuốc hơn 30 gắn bó
Trong hơn 30 năm công tác, bác sĩ Phạm Văn Dũng chia sẻ: Đến tuổi này, tôi tập trung đào tạo, chuyển giao cho thế hệ trẻ, thế hệ kế cận. Bây giờ tôi có 2 ước nguyện là, sức khỏe bệnh nhân tốt lên và thế hệ trẻ tiếp tục phát triển Khoa Nhi, chỉ vậy thôi.
* Được biết, ông đã chủ trì triển khai, thúc đẩy ứng dụng nhiều kỹ thuật hồi sức cấp cứu nhi khoa đem lại hiệu quả cao trong công tác khám chữa bệnh, cứu sống nhiều bệnh nhân nặng như bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng, viêm não cấp, sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim cấp… được đánh giá cao. Xin ông chia sẻ về hoạt động trao truyền cho thế hệ kế tiếp trong phát triển Khoa Nhi…
Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng sinh năm 1964, quê ở TP Quy Nhơn. Năm 2020 ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3 giai đoạn 2014 - 2020. Ông đang được đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân.
Năm 2005, ông giữ chức vụ Phó trưởng Khoa Nhi (BVĐK tỉnh). Năm 2015 ông giữ chức vụ Trưởng Khoa Nhi.
Năm 2014, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng bằng khen. Năm 2016 và năm 2019 ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen... Ngoài ra ông còn được nhận nhiều danh hiệu khác.
- Khách quan mà nhận xét thì kỹ thuật tại Khoa so với bệnh viện tuyến tỉnh là tốt, đây không phải là nhận định của chúng tôi ở đây mà là của các thầy ở Huế, cũng chính vì thế mà Trường ĐH Y khoa Huế lấy đây làm cơ sở đào tạo cho các bác sĩ. Đến nay, Khoa Nhi đã mở được 2 lớp bác sĩ CKII và 2 lớp CKI. Nhờ đó các bác sĩ tại Khoa tham gia học cũng rất tiện.
Hiện tại, Khoa có 20 bác sĩ trẻ, chúng tôi tạo điều kiện tối đa để các bác sĩ được học tập nâng cao chuyên môn, hiện đã có 6 bác sĩ CKII, 8 bác sĩ đang học CKI. Bên cạnh đó còn có kênh kết nối trực tuyến với Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh. Qua kênh này hằng tuần chúng tôi bình bệnh án, báo cáo chuyên đề với các chuyên gia ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Đây cũng là cơ hội rất tốt để anh em tập trung lại học. Cùng với đó Khoa cũng tổ chức báo cáo chuyên đề để các bác sĩ trẻ rút kinh nghiệm.
Đối với hoạt động cấp cứu nhi, trong quá trình làm việc tôi quan sát bác sĩ nào chuyên cần, chịu khó, có tố chất cao, tôi sẽ trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ thêm. Thêm một điểm đáng mừng là mấy năm trước nhiều lần mình phải nửa đêm chạy vô viện xử trí ca cấp cứu chứ bây giờ các bác sĩ trẻ gọi điện thoại rồi tư vấn là có thể làm theo được, tất nhiên những ca phức tạp thì mình vẫn phải vào, các bạn ấy có làm được thì mình vẫn vào, ở nhà không yên tâm bạn ạ!
* Nhiều điều dưỡng kể rằng “bác Dũng” chăm bệnh nhân nặng như người nhà…
- À à… đồng nghiệp tôi họ biết cả, buổi sáng đến Bệnh viện thấy mặt tôi hớn hở là biết sức khỏe bệnh nhân tốt lên. Mà thật ra đến một thâm niên nào đó thì thầy thuốc nào cũng sẽ thế. Hằng ngày, buổi sáng trước khi giao ban tôi sẽ đến sớm khoảng 15 phút để ưu tiên thăm những bệnh nhân nặng. Nếu bệnh nhân tốt lên thì với tôi đó là một ngày đẹp, nói vui là ngày hoàng đạo. Còn ngược lại thì ngày đó thật sự rất không thoải mái dù mình đã cố gắng tối đa, hết sức. Cho nên, dù đêm hôm, khó khổ thế nào cũng cố gắng cứu chữa bệnh nhân đến hết sức.
Tôi có một giao ước với các cộng sự, tôi mở điện thoại 24/24 bất cứ vấn đề nào liên quan, cần tư vấn, xử trí thì gọi ngay, gọi bất cứ lúc nào. Tôi bảo với các bạn trẻ, các thế hệ đàn anh đàn chị của mình đã đưa việc cứu người ở bệnh viện này đến một tầm cao như thế rồi, đến thế hệ mình phải nâng lên cao hơn, cứ thế cứ thế không bao giờ ngừng lại, không để mình hài lòng. Thầy thuốc mà bằng lòng, buông lỏng một chút thôi là bệnh nhân thiệt thòi rất nhiều.
*Xin cảm ơn bác sĩ!
THẢO KHUY (Thực hiện)