Giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Đổi thay tích cực
Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, hoạt động giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có nhiều đổi thay tích cực. Ðó là đánh giá qua đợt giám sát chuyên đề Tình hình thực hiện chính sách phát triển giáo dục đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, do Ðoàn giám sát của Thường trực HÐND tỉnh thực hiện.
Chính sách đi vào cuộc sống
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến chính sách dân tộc, trong đó, phát triển GD&ĐT được ưu tiên hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, hàng loạt chính sách về ưu tiên phát triển giáo dục đối với đồng bào DTTS đã được ngành GD&ĐT và chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời. Cụ thể như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; chính sách hỗ trợ đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng đồng bào DTTS; chính sách hỗ trợ đối với học sinh là người DTTS; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và giáo dục phổ thông…
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc học tập của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hoài Ân. Ảnh: N.HÂN
Bà Lê Thị Điển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Nhờ sự quan tâm đúng mức của Đảng và Nhà nước, chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng ổn định và nâng cao. Đặc biệt, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú đã từng bước phát triển và khẳng định vị trí quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS, góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách tại các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn và Hoài Ân của Thường trực HĐND tỉnh mới đây cho thấy, đến nay, 100% các trường, lớp học tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được kiên cố hóa, các trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, đảm bảo cho việc dạy và học. Riêng trong giai đoạn 2019 - 2021, tại các địa phương đã có 68.129 học sinh được hưởng các chính sách về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo… với tổng kinh phí hơn 56 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Trần Văn Thơm cho hay, nhờ thực hiện các chính sách phát triển giáo dục cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, diện mạo giáo dục ở khu vực này đã có sự chuyển biến đáng kể, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, tiểu học đến trường trong độ tuổi đạt 100%. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên có trình độ đạt chuẩn đạt 100%. Huyện đã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức 2 cho 3 xã vùng cao (Bok Tới, Đak Mang, Ân Sơn).
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Nguyễn Xuân Việt đánh giá, chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện đã thực sự đi vào cuộc sống, có ý nghĩa xã hội to lớn. Các chế độ, chính sách thực hiện kịp thời đóng vai trò quan trọng trong huy động trẻ em người DTTS đi học, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.
Khắc phục tồn tại, bất cập
Qua giám sát tình hình thực hiện chính sách phát triển giáo dục đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 2021, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cũng đã ghi nhận một số tồn tại, bất cập cần được tháo gỡ.
Theo bà Lê Thị Điển, để nâng cao chất lượng GD&ĐT, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục duy trì và tăng cường các chính sách đầu tư phù hợp cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học đến chế độ chính sách cho đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên và người học. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn. Đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh cần có chính sách đặc thù đối với học sinh DTTS sau khi tốt nghiệp THPT; nếu không đậu vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học thì bố trí đào tạo nghề và tạo việc làm sau khi ra trường.
Một số nội dung đề xuất, kiến nghị khác là cần quan tâm đầu tư xây dựng thêm các phòng chức năng như: Phòng nghệ thuật, phòng giáo dục thể chất, phòng sinh hoạt tổ chuyên môn, phòng tư vấn học đường, nhà đa năng tại các trường học ở địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hỗ trợ thêm tiền ăn cho học sinh bán trú; quan tâm đầu tư xây dựng thêm các phòng học, phòng ở, nhà ăn cho các trường phổ thông dân tộc bán trú. Bổ sung chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với nhân viên công tác ở trường chuyên biệt tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn…
NGUYỄN HÂN