Cùng con suốt chặng đường phát triển
Vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với TTYT huyện Phù Cát tổ chức khám sàng lọc cho trẻ dưới 6 tuổi bị rối loạn tự kỷ và một số bệnh khác như chậm phát triển, hở hàm ếch... Tại các buổi thăm khám, “kiên trì, đồng hành cùng con trên suốt chặng đường phát triển” là vấn đề các bác sĩ nhấn mạnh, mong muốn các phụ huynh nhẫn nại làm tốt.
Theo đó, đoàn tổ chức khám ở 5 địa điểm để phụ huynh ở 18 xã, thị trấn của huyện thuận tiện trong việc đưa trẻ đến thăm khám. Qua đợt khám, có tất cả 230 trẻ được sàng lọc. Trước đó, để chọn ra các trẻ trong diện cần được thăm khám, cán bộ chuyên trách của trạm y tế đến từng nhà để tìm hiểu và thông báo cho phụ huynh.
Bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương khám sàng lọc cho trẻ. Ảnh: ĐỖ THẢO
Điểm khám sàng lọc tại Trạm Y tế thị trấn Cát Tiến có hơn 30 trẻ được khám, đa số các trẻ mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển. Cô N.T.H (xã Cát Hải) có cháu 3 tuổi đến khám cho biết: Cháu dù đã 3 tuổi nhưng ít tương tác được với mọi người cũng không tự lật hay ngồi được. Bác sĩ hướng dẫn các bài tập và dặn phải thường xuyên tương tác với cháu, kiên trì từng ngày để giúp cháu tốt hơn.
Chị Bùi Thị Hương, nhân viên chuyên trách DS-KHHGĐ, Trạm Y tế thị trấn Cát Tiến, chia sẻ: Vì lực lượng y tế thôn không còn nên chuyên trách DS-KHHGĐ và nữ hộ sinh của Trạm sẽ phụ trách quản lý từ lúc mang thai đến khi sinh, sau đó lập danh sách lưu trữ hồ sơ. Tại Cát Tiến hiện có 400 trẻ dưới 6 tuổi, chúng tôi đi đến từng nhà để điều tra thông tin, nếu cháu trong diện thăm khám đợt này thì sẽ phát giấy mời. Trong 400 trẻ, chúng tôi lọc ra được 9 trẻ có các dấu hiệu cần được khám sàng lọc. Bây giờ số liệu, tình trạng từng trẻ chúng tôi đã nắm rõ nên việc quản lý, chăm sóc, tới kỳ thăm khám chúng tôi sẽ nhắc nhở phụ huynh dễ hơn.
Muốn can thiệp đối với trẻ tự kỷ phải bắt đầu từ các hoạt động sinh hoạt và nhu cầu của trẻ hằng ngày. Mọi lúc mọi nơi trong mọi tình huống, như: Ăn, tắm, thay quần áo, đi vệ sinh, đi mua đồ, mua thuốc, cầm/lấy giúp bố mẹ đồ này đồ kia, sang nhà hàng xóm lấy/đưa đồ... Từ những đồ chơi mà trẻ chơi ngẫu nhiên hằng ngày; từ cách chơi của trẻ, cách vận động của trẻ.
Th.S Mai Thị Xuân Thu, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, để can thiệp tốt, chúng ta cần phải theo sát các cháu hằng ngày, hiểu nhu cầu, sở thích, điểm mạnh, khó khăn của trẻ, trẻ đang ở mức độ phát triển nào, từ đó xây dựng được mục tiêu can thiệp phù hợp và cách trợ giúp hiệu quả. Bên cạnh đó, phụ huynh phải sắp xếp không gian gia đình sao cho trẻ có thể tham gia vào các hoạt động thuận tiện nhất. Đồ dùng cá nhân của các thành viên trong gia đình cũng cần được sắp xếp ở các không gian nhất định để trẻ có thể phân biệt được. Cha mẹ có thể sử dụng thêm công cụ hỗ trợ bằng chữ viết hoặc tranh biểu tượng dán vào các vị trí cần giải thích cho trẻ biết. Trẻ sẽ phát huy được sự chủ động tích cực và khả năng tập trung chú ý cao hơn...
Một vấn đề quan trọng khi phụ huynh đồng hành cùng con là học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực. Theo đó, Th.S Thu tư vấn các phụ huynh: Bố mẹ kiểm soát được cảm xúc tiêu cực, trẻ sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực. Trẻ không bị căng thẳng, không bị tăng xung động. Hoạt động can thiệp có hiệu quả khi cả 2 cùng thoải mái. Do vậy, bố mẹ hiểu được khó khăn của trẻ, không bị áp lực với việc trẻ không làm được, trẻ mất tập trung; chấp nhận hành vi bất thường của trẻ và tìm giải pháp phù hợp. Giữ thái độ trung lập khi trẻ có hành vi chống đối, ăn vạ, trốn tránh nhiệm vụ...
Bên cạnh việc phát hiện sớm các trường hợp cần can thiệp, khám sàng lọc còn là hoạt động tuyên truyền để phụ huynh biết cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ tự kỷ, giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng. Có con 5 tuổi nhưng vẫn chưa biết nói, chị T.N.M (thị trấn Cát Tiến) cho biết: Các bác sĩ chẩn đoán cháu chậm phát triển và rối loạn tự kỷ. Họ hướng dẫn cách tương tác với con, nhờ con làm các việc đơn giản để phát triển nhận biết các đồ vật, sự việc, hoạt động xung quanh; chơi cùng con theo các bài tập ở tài liệu bác sĩ cung cấp. Tôi sẽ cố gắng đồng hành trên suốt chặng đường phát triển của con.
ĐỖ THẢO