Kiên trì, bền bỉ những vòng tay nhân ái - Kỳ 1: Sau “cơn bão” Covid-19
LTS: Ba tháng trước ngày đi xa, Bác Hồ viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”. Làm theo lời Bác dạy, hoạt động đỡ đầu, hỗ trợ trẻ mồ côi ngày càng được quan tâm. Báo Bình Định thực hiện chuyên đề về hoạt động đỡ đầu trẻ mồ côi với mong muốn lan tỏa nghĩa cử đẹp dành cho thế hệ tương lai.
Kỳ 1: Sau “cơn bão” Covid-19
Trong những ngày bão tố của đại dịch Covid-19, hàng nghìn đứa trẻ trong cả nước bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi. Bên dưới những ngôi nhà thiếu vắng bàn tay cha, mẹ, những đứa trẻ co ro, sợ hãi. Đó cũng là lúc xuất hiện những vòng tay cùng góp hơi ấm cho các em.
Bơ vơ sau đại dịch
Ngôi nhà nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở khu phố 12 (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) là nơi cư ngụ của anh Tạ Công Thảo (40 tuổi) cùng 3 đứa con nhỏ và người chị gái. Nhà cũ, chật hẹp, bàn thờ cho người vợ đã mất vì dịch Covid-19 chiếm không gian lớn.
Cán bộ Ban CHQS TP Quy Nhơn thường xuyên đến thăm bé Tạ Lê Bảo Ngọc, con gái của anh Tạ Công Thảo. Ảnh: H.P
Khi còn sống, vợ anh Thảo quán xuyến mọi việc nhà để anh tập trung làm tài xế xe tải đường dài kiếm thu nhập cho gia đình. Vợ mất, anh phải nghỉ việc thời gian dài, “gà trống nuôi con”. Bé út sinh non khi mới 7,5 tháng, anh phải nhờ người chị gái chăm, còn anh ở nhà lo việc ăn uống, học hành cho hai đứa còn lại.
Hơn ai hết, anh Thảo hiểu khi mất một người thân, tất cả tình cảm, sự gần gũi của các con sẽ đổ dồn vào người thân còn lại. Anh nói: “3 đứa con của tôi đã mồ côi mẹ, thiếu mất một phần tình thương. Nên giờ có nặng nhọc mấy, tôi cũng sẽ ráng làm, lo cho các con được đủ đầy”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn (thứ hai từ trái sang) thăm bé Cẩm Tiên. Ảnh: N.M
Khác với 3 đứa con của anh Thảo, bé Lê Nguyễn Cẩm Tiên chưa một lần được mẹ ôm ấp, vỗ về. Tiên chào đời ở tuần 34 với cân nặng 2,2 kg sau nỗ lực của các y bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ. Chỉ hơn 10 ngày sau, mẹ của Tiên qua đời vì Covid-19. Suốt những ngày ở TP Hồ Chí Minh, thời điểm mà đại dịch Covid-19 càn quét dữ dội, bé Cẩm Tiên đã mạnh mẽ trong lồng kính, đến khi ra viện, lại cùng cha chiến đấu với dịch Covid-19 khi cả hai đều dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Đến tận tháng 10.2021, trên chuyến xe nghĩa tình đầu tiên đưa công dân Bình Định từ TP Hồ Chí Minh trở về, Cẩm Tiên và cha mới có thêm sự vun đắp bởi tình thân khi được đoàn tụ với nhà nội (ở khu phố 7, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn).
Theo tổng hợp của Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), đến tháng 4.2022, toàn tỉnh có 37 trẻ em mồ côi do Covid-19, trong đó có 8 trẻ sơ sinh. Mỗi trẻ là một số phận, nhưng đều chung một nỗi mất mát - mất điểm tựa, thiếu tình thương - và tương lai phải đối diện với bấp bênh, trắc trở.
Nhân lên điểm tựa cho trẻ
Trước những số phận mồ côi bởi đại dịch chưa từng có tiền lệ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hội đoàn thể đã phát động, tổ chức nhiều hoạt động nhằm chia sớt, đồng hành với trẻ.
Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan triển khai rà soát, tổng hợp danh sách trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19, trẻ em có cha, mẹ tử vong do nhiễm Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương.
Ngày 23.11.2021, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội - chi nhánh Bình Định, ủy quyền cho các Phòng LĐ-TB&XH đến thăm hỏi, chia sẻ động viên và hỗ trợ 14 trường hợp trẻ em mồ côi có cha hoặc mẹ qua đời và trẻ em là con sản phụ bị nhiễm Covid-19 với số tiền 67 triệu đồng. Đồng thời, tiếp tục làm thủ tục đề xuất hỗ trợ đợt 2 cho 7 trẻ em mồ côi có cha/mẹ qua đời và 3 trẻ em là con sản phụ bị nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở nguồn lực vận động ủng hộ từ các tổ chức, đơn vị, DN, cá nhân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trao 14 sổ tiết kiệm cho 14 gia đình có người mất do nhiễm Covid-19 có con nhỏ, đang trong độ tuổi đến trường, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mỗi sổ trị giá 30 triệu đồng). Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng phối hợp với Hội Nữ Doanh nhân tỉnh thực hiện chương trình “Kết nối yêu thương”, đỡ đầu, trợ giúp thường xuyên cho 26 trẻ có cha/mẹ mất do dịch Covid-19 đến hết 18 tuổi với mức 1 triệu đồng/trẻ/tháng.
Các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã nhận đỡ đầu đến 18 tuổi đối với 17 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 - nhiều nhất trong Quân khu 5. Theo đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, ngoài khoản hỗ trợ đỡ đầu ít nhất 500 nghìn đồng/trẻ/tháng, các cơ quan, đơn vị còn có các hoạt động đồng hành thiết thực cùng gia đình.
“Chúng tôi sẽ làm tất cả để giúp trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19 có thêm điểm tựa, thêm yêu thương, giúp các em và gia đình không đơn độc trên hành trình cuộc đời”, đại tá Sơn khẳng định.
Hội LHPN tỉnh nhận đỡ đầu bé Dương Trần Huy Hoàng. Ảnh: Hội LHPN tỉnh
Tính đến cuối tháng 5.2022, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã nhận đỡ đầu 45 trẻ mồ côi do Covid-19. Ngay sau khi nhận được đề xuất của Hội LHPN xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) về trường hợp của bé Dương Trần Huy Hoàng (8 tuổi, ở xã Phước Quang), Hội LHPN tỉnh quyết định nhận đỡ đầu em từ quý III/2022 với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/quý cho đến khi Hoàng đủ 18 tuổi. Từ đó, Hoàng đã dần quen với sự có mặt của “những cô áo xanh”. Không còn rụt rè như buổi đầu gặp gỡ, cậu bé mở lòng, cười nói nhiều hơn khi thấy các cô ghé nhà, mang theo ít bánh, dạy thêm câu chữ, con số, bù đắp cho con nỗi trống vắng khi thiếu mẹ.
Hoàng kể: “Con biết tự ăn và bắt đầu học viết chữ, đọc sách rồi. Ba nói, nếu con làm vậy thì mẹ ở thế giới bên kia sẽ yên tâm, vui vẻ. Bởi vậy, con muốn mình thật ngoan ngoãn để cả ba và mẹ yên tâm”.
Hy vọng lên xanh
“Con chào chú! Chú đậu xe ở phía này nè”, một cậu bé lanh lợi, khuôn mặt to tròn trong bộ đồ học sinh bước ra chào hỏi khi chúng tôi ghé thăm nhà. Đó là Bùi Lê Tuấn Khải (16 tuổi, ở khu phố 3, phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) - 1 trong 17 trường hợp được các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi. Khải tỏ lòng tri ân sự hỗ trợ của các chú bộ đội bằng cách không ngừng học tốt.
Dịch Covid-19 cướp đi cha, buộc Khải phải trưởng thành sớm hơn. Mẹ Khải, chị Lê Thị Thu Hiền (43 tuổi) kể: “Thằng bé ở nhà ngoan lắm. Mẹ ra chợ buôn bán vào sáng sớm, Khải đều dậy dọn dẹp nhà cửa, chở em đi học rồi mới đến trường”.
Chung sức với các đơn vị trong LLVT tỉnh, Hội LHPN phường Tam Quan (TX Hoài Nhơn) cũng nhận đỡ đầu hai anh em Bùi Lê Tuấn Khải và Bùi Lê Anh Khoa (10 tuổi). Mang theo sự đồng cảm, tình thương của người mẹ, người dì, các chị em Hội LHPN phường thường xuyên ghé thăm, mang theo gói rau, cân thịt hay ít bánh kẹo làm quà cho 3 mẹ con.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Tam Quan, nói thêm: “Ngoài động viên, hỏi thăm, chúng tôi còn giúp chị Hiền bằng cách giới thiệu cho chị nguồn hàng may gia công tại nhà. Đồng thời, liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của 2 cháu để nắm bắt tình hình học tập, kịp thời hỗ trợ khi cần”.
Nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều tổ chức như phụ nữ ngành CA, phụ nữ quân đội, cán bộ Hội LHPN các cấp, tổ chức từ thiện xã hội, các nhà hảo tâm, Hội Nữ Doanh nhân tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn và phường Đống Đa…, bé Lê Nguyễn Cẩm Tiên ngày một khôn lớn. Hơn 1 tuổi với những bước đi chập chững đầu đời, có lẽ con vẫn chưa hiểu nhiều về những mất mát vừa qua. Song, trong hành trình khôn lớn, trưởng thành phía trước của con đầy ắp tình thương của cả những người không cùng huyết thống.
N.MUỘI - N.TÚ - H.PHÚC - D.LINH
● Kỳ 2: Lan tỏa hoạt động đỡ đầu