Chuyển giao kỹ thuật canh tác hữu cơ cho người dân: Truyền đạt, hướng dẫn dễ hiểu, dễ làm
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT) xây dựng một số mô hình trồng trọt hữu cơ, trình diễn các kỹ thuật canh tác, công nghệ tưới, chế phẩm sinh học… chuyển giao cho người dân.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện nay người dân rất quan tâm tới kỹ thuật canh tác hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt. Ưu điểm của sản xuất nông nghiệp hữu cơ là những lợi ích về sức khỏe, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quy trình kiểm soát chất lượng đầu vào (đất, nước, giống, phân) rất chặt chẽ; quy trình canh tác đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.
Mô hình canh tác rau an toàn hợp chuẩn VietGAP theo hướng hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai ở làng rau Thuận Nghĩa. Ảnh: THU DỊU
Xuất phát từ thực tế đó, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai một số mô hình canh tác hữu cơ với cây lúa, rau màu nhằm giúp nông dân nắm bắt, áp dụng và dần dần chuyển đổi sản xuất từ truyền thống sang hữu cơ. Quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm trực tiếp truyền đạt kiến thức, “cầm tay chỉ việc” trong hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, với nguyên tắc dễ hiểu, dễ áp dụng nhất.
Theo ông Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh - phụ trách các mô hình sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP, thông thường khi thực hiện mô hình, Trung tâm sẽ triển khai song song điểm trình diễn và điểm đối chứng ngay trên đồng ruộng để nông dân củng cố kiến thức, thuần thục kỹ năng. Muốn nông dân tin tưởng phải có sản phẩm chứng minh kết quả, trong suốt quá trình làm mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đều theo sát và thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn trao đổi ngay ở mô hình để bà con tiếp thu và có thể áp dụng trong sản xuất thực tế.
Tương tự, ông Hồ Quang Thạch, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh - phụ trách mô hình sản xuất lúa hữu cơ, cho hay, ở vụ Đông Xuân 2021 - 2022, mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) cho năng suất và sản lượng rất tốt so với mô hình đối chứng. Trên cùng một đơn vị diện tích, nhờ giảm chi phí đầu vào, lợi nhuận của mô hình sản xuất lúa hữu cơ tăng 10 - 20% so với đối chứng. Lượng giống sử dụng ở mô hình canh tác hữu cơ ít hơn, phân bón hữu cơ được ủ từ nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phương pháp tưới ướt khô xen kẽ nên cây trồng phát triển tốt và ít sâu bệnh, năng suất và sản lượng tốt hơn.
Bên cạnh các mô hình trình diễn, Trung tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo, phổ biến kiến thức cho nông dân và cán bộ ngành nông nghiệp địa phương. Theo kế hoạch, từ nay cho đến hết năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thêm một số lớp tập huấn liên quan tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tổ chức các lớp học FFS trên đồng ruộng để học viên tham gia thực hiện trao đổi với cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, cuối tháng 10.2022, Trung tâm triển khai lớp tập huấn cho 30 cán bộ ngành nông nghiệp trong cả tỉnh; tổ chức cho học viên tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Từ các chương trình này, cán bộ nông nghiệp tuyến cơ sở có thêm thông tin, kỹ thuật, kỹ năng để hỗ trợ nông dân.
Mô hình canh tác lúa hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đạt năng suất từ 75 tạ/ha trở lên. Ảnh: THU DỊU
Việc triển khai chuyển giao kỹ thuật canh tác hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành nông nghiệp. Bước đầu, một số mô hình do Trung tâm triển khai mang lại kết quả cao, chẳng hạn với cây lúa đạt sản lượng 75 tạ/ha; cây rau màu phát triển tốt, ít sâu bệnh hại. Điểm quan trọng là bà con nông dân tự so sánh đối chiếu hiệu quả, nắm vững kỹ thuật và từng bước tự chuyển đổi. Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chia sẻ: Trong giai đoạn chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, mô hình sản xuất áp dụng phương thức hữu cơ giúp nông dân tiết kiệm chừng 20% chi phí so với cách làm cũ, nhờ vậy bà con có thêm động lực chuyển đổi. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình phù hợp, đặc biệt ở nhóm cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh nhằm giúp nông dân từng bước chuyển đổi sản xuất hiệu quả.
THU DỊU