Đòn bẩy để phát triển y tế cơ sở
Y tế cơ sở được xem là nền tảng của ngành y tế trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra. Để phát triển nền tảng này, UBND tỉnh đã ban hành Đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở của tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025. Báo Bình Định phỏng vấn ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, về một số nội dung cốt lõi, sức tác động của Đề án.
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG HÙNG
*Thưa ông, cần nhìn nhận như thế nào cho đúng về vai trò của y tế cơ sở trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân?
- Trước tiên chúng ta phải nói rõ là y tế cơ sở gồm y tế tuyến huyện và tuyến xã. Y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng, là tuyến đầu, rất gần dân, là nền tảng của cả hệ thống y tế. Qua đại dịch Covid-19, ta càng thấy rõ y tế cơ sở đóng vai trò cực kỳ quan trọng như thế nào. Tuy nhiên, qua đại dịch, y tế cơ sở cũng bộc lộ nhiều lỗ hổng, như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, các chính sách liên quan đến con người. Trong dịch Covid-19, trạm y tế thực sự như một pháo đài tại xã, phường, thị trấn, khi đó, rất cần cơ sở đàng hoàng để làm việc, chống dịch, thu dung bệnh nhân. Biết như thế sẽ hiểu vì sao phải xây dựng trạm y tế rộng rãi, kiên cố như vậy.
Đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở này cũng dựa trên sự thiếu hụt đó. Phải nói đề án này được ban hành rất kịp thời. Sau khi dịch vừa được khống chế, UBND tỉnh phê duyệt đề án này ngay, thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh đối với y tế cơ sở.
Qua đại dịch Covid-19, chúng ta càng thấy rõ được tầm quan trọng của y tế cơ sở.- Trong ảnh: Nhân viên Trạm y tế xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh của xã. Ảnh: T. KHUY
*Trong vòng 3 năm 2022 - 2025, Đề án sẽ giải quyết những vấn đề nào, thưa ông?
- Đề án nhấn mạnh vào lỗ hổng của y tế cơ sở. Do vậy, với giai đoạn ngắn hạn, trong vòng 3 năm, Đề án giải quyết được các vấn đề, gồm: Bổ sung cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Trung ương, đầu tư cơ sở vật chất cho các TTYT, xây dựng mới và sửa chữa các trạm y tế trên các địa bàn ưu tiên, bổ sung trang thiết bị, phát triển nhân lực.
Tôi nói thêm một chút về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chương trình này sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho 5 TTYT (Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn). Còn Đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở sẽ đầu tư cơ sở vật chất cho các TTYT còn lại.
Tất nhiên, đầu tư cơ sở vật chất không phải là xây dựng lại toàn bộ cơ sở vật chất cho y tế cơ sở nhưng nhờ được đầu tư, sẽ giải quyết được một số vấn đề cơ bản, đặc biệt là xây dựng khoa kiểm soát bệnh tật tại tuyến huyện một cách hoàn chỉnh. Vì khi xảy ra dịch như Covid-19 thì khoa kiểm soát bệnh tật tại tuyến huyện đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Gần như đó là trung tâm chỉ huy, trung tâm điều phối về y tế dự phòng, phòng chống dịch. Tại đó, tổng hợp các nguồn lực phòng chống dịch, như: Kho dược, thuốc, vật tư y tế để phòng chống dịch. Cùng với đó là sửa chữa, xây dựng mới một số các khoa phòng tại 6 TTYT ngoài Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
*Thưa ông, còn về trạm y tế, nơi gần dân nhất thì sao?
- Đề án sẽ xây mới và sửa chữa các trạm y tế tại các địa bàn ưu tiên, tất nhiên chưa phủ hết tất cả trạm y tế nhưng ít nhất cũng đáp ứng được nhu cầu. Điểm nhấn lần này là việc xây dựng các trạm y tế sẽ do các địa phương làm chủ đầu tư, kinh phí do tỉnh và huyện cùng chi trả.
Còn về trang thiết bị y tế, đối với tuyến xã sẽ bổ sung đủ theo danh mục trang thiết bị y tế do Bộ Y tế quy định. Ngoài ra sẽ mua sắm bổ sung cho nhu cầu nâng cao kỹ thuật của các TTYT.
TTYT huyện sẽ tuyển dụng bác sĩ, luân chuyển bác sĩ từ huyện đến xã, xã đến huyện. - Trong ảnh: Khám bệnh tại TTYT TX An Nhơn. Ảnh: T. KHUY
* Nhân lực là điểm vô cùng cần thiết nhưng cũng rất khó khăn, tỉnh và ngành y tế sẽ có những giải pháp nào, thưa ông?
- Trong bối cảnh hiện nay, việc đào tạo đội ngũ y tế nói chung và y tế cơ sở rất khó khăn. Thứ nhất là do thiếu người nên việc cho nhân viên y tế đi đào tạo sẽ khó vì đặc thù của y tế là phải khám chữa bệnh hằng ngày. Thứ hai là kinh phí, vì theo quy định thì các đơn vị sự nghiệp phải chi trả chi phí đào tạo cho nhân viên của mình, hiện nguồn kinh phí của các đơn vị sau Covid-19 rất khó khăn. Hy vọng, một đề án riêng về phát triển nhân lực y tế cơ sở (được xây dựng theo Đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở) sắp tới sẽ giải quyết được vấn đề này.
Hiện nay, ngành y tế tăng cường tuyển dụng cho y tế cơ sở, đảm bảo đủ người làm việc ở trạm y tế xã. TTYT huyện cũng sẽ tuyển dụng bác sĩ, luân chuyển bác sĩ từ huyện đến xã, xã đến huyện. Tạo điều kiện cho anh em ở xã được làm việc ở huyện.
Trong phạm vi ngắn hạn, Đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở sẽ tạo ra bức tranh mới, động lực mới để y tế cơ sở hoạt động ngày càng tốt hơn, phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
* Xin cảm ơn ông!
Một số chỉ tiêu Đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở của tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025:
Hoàn thành xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng cơ bản, hoàn chỉnh cho 11 TTYT huyện và 52 trạm y tế.
Hoàn thành mua sắm đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu cho 159 trạm y tế theo danh mục Bộ Y tế quy định; mua sắm trang thiết bị y tế chuyên dùng chủ yếu cho các TTYT huyện theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và năng lực sử dụng của từng đơn vị.
Phát triển nguồn nhân lực tại TTYT huyện và trạm y tế, cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo cơ cấu nhân lực phù hợp.
Giường bệnh kế hoạch của các TTYT đạt 2.050 giường.
Trên 95% dân số được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử.
100% trạm y tế thực hiện tốt các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã.
Duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã theo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành.
THẢO KHUY (Thực hiện)